BVR&MT – Sau 30 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã giải quyết dứt điểm tình trạng hộ đói, đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 8,46%. Đó là kết quả của quá trình tìm ra “lõi” nghèo và những cách làm sáng tạo “tấn công” vào đói nghèo.
Nỗ lực xóa đói
Si Ma Cai là huyện vùng cao, xa xôi, cách trung tâm tỉnh lỵ gần 100 km, giao thông còn gặp nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95% số dân toàn huyện. Điều này đã tác động không nhỏ đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Thời điểm mới tái lập huyện (năm 2000), khó khăn nhất đối với lãnh đạo chủ chốt của Si Ma Cai là lựa chọn giải pháp trọng tâm để chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, “tấn công” vào đói nghèo, vượt qua ngưỡng có xuất phát điểm thấp nhất về kinh tế, huyện nghèo nhất trong số 61 huyện nghèo của cả nước. Câu chuyện xóa đói, giảm nghèo tại Nàn Sín – xã nghèo nhất của huyện Si Ma Cai – là một ví dụ.
Anh Sùng Seo Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai kể lại: Cách trung tâm huyện 19 km, xã Nàn Sín có 264 hộ người Mông sinh sống rải rác ở 7 thôn (Nàn Sín, Giàng Chá Chải, Chính Chu Phìn, Sỉn Chù, Phìn Chư 1, 2 và 3). Những năm trước, đây là một trong những “lõi nghèo” của huyện Si Ma Cai, với đủ thứ “nhất” như cao nhất, xa nhất, nghèo nhất, ít người học nhất…; tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm tới 70% (theo tiêu chí cũ). Bà con phải ăn mèn mén là chuyện thường. Trước thực trạng đó, chính quyền xã đã đề ra mục tiêu trước mắt là phải xóa được đói, giảm được nghèo. Xã đã đưa ra hàng loạt chương trình hỗ trợ, vận động người dân phát triển sản xuất, như trồng thảo quả, cây ăn quả, rau trái vụ… Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự tiếp sức từ các chương trình 30a, 135, xây dựng nông thôn mới, sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân, đến năm 2020, xã Nàn Sín còn 104 hộ nghèo, chiếm 21,7% tổng số hộ.
Tương tự, tại huyện Mường Khương, thời điểm mới tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ đói nghèo của huyện chiếm trên 80% (tính theo chuẩn đói nghèo về lương thực 15 kg gạo/người/tháng), vào những thời điểm giáp hạt, trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều hộ thiếu đói. Bình quân mỗi năm, Nhà nước phải hỗ trợ cứu đói cho hơn 2.000 nhân khẩu, với khoảng 23 tấn gạo. Cùng với các nguồn hỗ trợ đầu tư của Nhà nước từ các chương trình (định canh định cư, 135, 134…), đến cuối năm 2000, tình trạng thiếu đói về lương thực cơ bản được giải quyết, nhưng đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân huyện Mường Khương vẫn còn rất khó khăn do trình độ canh tác lạc hậu, chủ yếu tự cung, tự cấp, việc áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, cùng với các chính sách của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực của Nhân dân các dân tộc trong huyện, cuộc chiến chống lại đói nghèo của Mường Khương đã đạt nhiều thành tựu. Từ thiếu đói về lương thực, đến nay trên địa bàn huyện không còn hộ đói.
Ông Ma Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhớ lại: Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, tỷ lệ đói nghèo 55%, trong đó số hộ đói chiếm 30%. Để có lương thực, người dân phải bỏ ra rất nhiều công sức để trồng lúa trên các mảnh ruộng bậc thang cằn cỗi. Trước thực trạng đó, các đồng chí lãnh đạo tỉnh quyết định lựa chọn những giải pháp trọng tâm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, “tấn công” vào đói nghèo, vượt qua ngưỡng có xuất phát điểm thấp nhất về kinh tế. Đối với vùng cao, tỉnh tập trung giải quyết nước ăn, từng bước xóa bỏ tình trạng đói giáp hạt, chú trọng đầu tư cho công tác xóa đói, giảm nghèo gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Đến năm 1995, tỷ lệ hộ nghèo của Lào Cai giảm còn 33,8% (trong đó đói còn 15%); năm 2000 còn 21,1% và cơ bản xóa được đói, sau 10 năm (1991 – 2000), tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm được 33,9%. Đến hết năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 16,68%. Đến nay, Lào Cai đã giải quyết dứt điểm tình trạng hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 8,46%. Kết quả này giúp Lào Cai có thêm những kinh nghiệm quý trong công tác giảm nghèo.
Đột phá giảm nghèo
Bước vào thời kỳ mới, tỉnh Lào Cai đã kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, mang tính sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và quyết định đến thành công của công tác giảm nghèo. Trong giai đoạn 2016 – 2020, cùng với các chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Lào Cai đã chủ động ban hành và thực hiện một số chính sách đặc thù. Cụ thể là Đề án số 09 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững với mục tiêu cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng, các dân tộc và các nhóm dân cư; Nghị quyết số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững huyện Si Ma Cai đến năm 2020, với nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó có cơ chế hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã/năm để tập trung chăn nuôi đại gia súc, làm thay đổi tỷ trọng cơ cấu sản xuất từ trồng trọt sang chăn nuôi, nâng thu nhập cho người dân.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 20 ngày 24/5/2019 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020, tầm nhìn đến 2025 và có xét đến năm 2030, ngày 10/7/2019, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 về sử dụng ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phát triển kinh tế – xã hội tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2019 – 2025 . Theo đó, ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội bình quân 1 tỷ đồng/xã/năm cho 43 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025, với lãi suất ưu đãi. Đây là nghị quyết xóa nghèo đặc biệt, thể hiện sự quyết tâm, sáng tạo của Lào Cai trong thực hiện xóa vùng “lõi nghèo” ở địa phương. Nhiệm kỳ 2015 – 2020, một trong những thành công lớn của Lào Cai là tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2 con số. Công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, xếp hạng tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vươn lên 5 bậc so với cả nước (năm 2019 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố).
Thực tế sau 30 năm tái lập tỉnh, Lào Cai đã giải quyết dứt điểm tình trạng hộ đói; đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn 8,46%, tương ứng 14.322 hộ nghèo, tỷ lệ giảm nghèo vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; tỷ lệ giảm nghèo của các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai bình quân đạt 8,6%/năm (vượt mục tiêu Quyết định số 1722 ngày 2/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ là giảm 4%/năm). Tại buổi làm việc với tỉnh Lào Cai tháng 3/2021, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá: Tỉnh Lào Cai rất sáng tạo, chủ động và quan tâm sâu sắc đến công tác giảm nghèo. Những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh rất ấn tượng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
Bà Đinh Thị Hưng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Giai đoạn 2021 – 2025, Lào Cai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3% – 5%/năm trở lên theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã nghèo giảm từ 6%/năm trở lên; giảm hộ cận nghèo hằng năm từ 2.000 hộ trở lên; phấn đấu trên 60% số xã có tỷ lệ hộ nghèo đạt chuẩn tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo nghề và giới thiệu việc làm. Để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo đề ra, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá để phát triển kinh tế – xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI đã ban hành Đề án số 10 về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025…
Với bản lĩnh vượt khó, kinh nghiệm, sáng tạo và đột phá trong tư duy xây dựng chính sách giảm nghèo, đặc biệt là truyền thống đoàn kết, Lào Cai sẽ có thêm những thành công mới trong hành trình giảm nghèo nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển của cả nước.