Lào Cai: Giữ rừng dựa vào cộng đồng

BVR&MT – Lào Cai có diện tích rừng tự nhiên lớn, tập trung ở vùng cao, giao thông khó khăn. Cùng với lực lượng kiểm lâm, chính quyền xã, vai trò, kinh nghiệm của người có uy tín ở thôn, bản đã góp phần bảo vệ và phát triển rừng.

Hàng năm, người dân các địa phương tổ chức cúng tạ ơn thần rừng.

Đến thôn Cốc Sâm, xã Cốc Ly (Bắc Hà) vào đúng ngày diễn ra lễ cúng rừng, chúng tôi được theo chân những người dân địa phương vào khu rừng thiêng, rừng nhiều tầng tán, hoang sơ như chưa hề có dấu chân người. Nhiều thân cây rừng cổ thụ sừng sững cao vút mây xanh, xòe tán rợp một khoảng đất rộng. Khi hỏi những người dân ở đây vì sao rừng được bảo vệ tốt như thế, ai cũng tươi cười trả lời “chúng tôi giữ rừng là theo lời tuyên truyền của ông Bàn Văn An”.

Được biết, người đàn ông dân tộc Dao Bàn Văn An vừa bước qua tuổi ngũ tuần nhưng đã có hơn 20 năm làm tổ trưởng tổ bảo vệ rừng và cũng là thầy cúng của đồng bào Dao ở xã Cốc Ly. Vừa cùng bà con sửa soạn mâm lễ, ông Bàn Văn An vừa trò chuyện: Xưa kia thôn Cốc Sâm vốn là rừng rậm, chỉ có 3 đến 4 hộ dân người Dao bám trụ sinh sống nơi đây. Về sau có thêm nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông, Dao đến, quy tụ thành bản làng. Bà con bảo nhau lựa chọn khu rừng đẹp, nhiều cây cổ thụ, khoanh vùng chăm sóc, bảo vệ để mời thần linh (thần rừng) về trú ngụ rồi lập miếu thờ. Vào ngày đầu năm mới và khoảng tháng 5, tháng 6 hằng năm, người dân sẽ kính cẩn dâng những lễ vật, món ăn ngon cầu thần rừng che chở, để thời tiết mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh không bị đau ốm…

Khu rừng thiêng của thôn Cốc Sâm là một phần của cánh rừng nguyên sinh với nhiều quần thể gỗ trai, gỗ nghiến cổ thụ rộng hơn 260 ha trải dài trên địa phận 6 thôn của xã Cốc Ly. Đây cũng là nơi thường xuyên có kẻ xấu đến phá hoại, rình rập khai thác trái phép. Nhân dân trong thôn đã đề ra hương ước, quy ước và cam kết ai vi phạm sẽ bị phạt vạ 1 con lợn 50 kg, 20 kg gạo, 20 lít rượu, đôi gà, cùng 360.000 đồng tiền công… để cúng thần rừng, sau đó mời cả làng ăn cỗ, coi như một lần tạ lỗi. Ngoài ra, còn bị lực lượng chức năng xử phạt hành chính. “Nói về việc giữ rừng, ngoài việc họp thôn, tôi còn phải đến từng hộ tuyên truyền nhiều lần về ý nghĩa, lợi ích của việc bảo vệ rừng để người dân hiểu cặn kẽ, từ đó người dân mới đồng lòng thực hiện” – ông An nói.

Người dân cùng lực lượng chức năng tham gia bảo vệ rừng.

Theo Chủ tịch UBND xã Cốc Ly Bồng Văn Phú, việc tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện tham gia bảo vệ, phát triển rừng rất quan trọng. Như thôn Cốc Sâm, nơi có khu rừng quý với hàng trăm cây gỗ nghiến, gỗ trai nhiều năm nay việc giữ rừng đã được người dân thực hiện rất tốt, đó là nhờ vào những người có uy tín như ông Bàn Văn An. Do có uy tín nên khi đi tuyên truyền, vận động, người dân tin tưởng nghe theo, làm theo.

Khi đến thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường (Bát Xát), chúng tôi bất ngờ vì chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sau thông tin triệu tập của Trưởng thôn Lý Giá Xe, đồng thời là Tổ trưởng tổ quản lý bảo vệ rừng thôn Lao Chải, 12 thành viên trong tổ đã có mặt đầy đủ, bàn các giải pháp triển khai công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng… Tại cuộc họp, các thành viên đều đồng thuận với sự phân công nhiệm vụ của tổ trưởng.

Cộng đồng chung tay bảo vệ rừng.

Ông Lý Giá Xe cho biết: Thôn Lao Chải có hơn 200 ha rừng tự nhiên, là thôn có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất xã Trịnh Tường. Thôn chọn 12 thành viên vào tổ bảo vệ rừng. Là tổ trưởng, để các thành viên đoàn kết, đồng thuận, mỗi khi có nhiệm vụ khó tôi đều nêu gương nhận trước. Trong phân công nhiệm vụ, tôi đều ghi chép theo dõi để công bằng giữa các thành viên trong năm. Các chế độ, chính sách của nhà nước tôi luôn công khai, minh bạch đến từng nghìn đồng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường Phạm Văn Hưng, hiện xã xây dựng 16 tổ bảo vệ rừng ở thôn. Các tổ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch tuần tra bảo vệ rừng định kỳ hằng tháng, được chính quyền xã và Hạt Kiểm lâm huyện phê duyệt, sau đó cắt cử các thành viên tuần rừng theo kế hoạch. Mỗi tổ có từ 7 đến 8 thành viên, gồm những người có sức khỏe, kinh nghiệm đi rừng và đặc biệt là phải có đạo đức tốt, gương mẫu, trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng.

Người dân lập miếu thờ thần rừng, cầu mong thần rừng bảo vệ cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bát Xát Bùi Quốc Túy cho biết: Toàn huyện có hơn 60,6 nghìn ha rừng, chiếm 57,4% diện tích tự nhiên, trong đó hơn 54,2 nghìn ha rừng tự nhiên. Để quản lý tốt rừng tự nhiên, đơn vị ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng trực tiếp với các tổ bảo vệ rừng ở tất cả các thôn do người dân từng thôn bầu ra. Căn cứ kết quả tuần tra bảo vệ rừng thực tế ở các thôn, có chấm công và hậu kiểm chặt chẽ, Hạt Kiểm lâm Bát Xát chi trả bình quân mỗi năm từ 5 tỷ đồng đến 6 tỷ đồng cho hàng nghìn hộ đồng bào thiểu số nhận bảo vệ rừng thông qua hợp đồng với các tổ bảo vệ rừng.

Tại các địa phương trong tỉnh, người có uy tín không chỉ trực tiếp tham gia các tổ bảo vệ rừng ở thôn, bản mà còn duy trì lễ cúng rừng hằng năm, gắn bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với bảo vệ rừng ở địa phương mình, thông qua các hương ước cộng đồng có tính tự nguyện cao, bền vững.

NGUỒNbaolaocai.vn
Tags: ,
CHIA SẺ