BVR&MT – Tính đến hết năm 2017, Lào Cai có 35 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sau nhiều nỗ lực để cán đích, các xã này vẫn luôn xác định xây dựng nông thôn mới không chỉ kết thúc ở việc hoàn thành 19/19 tiêu chí mà cần giữ vững, củng cố và phát huy thành quả đạt được.
Tập trung xây dựng nông thôn mới
Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Chương trình đã đạt được kết quả khá toàn diện, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến căn bản trong khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thực tế cho thấy, kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM (giao thông, thủy lợi, điện, chợ, hình thức sản xuất…) đã đem lại nhiều thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Các xã đã từng bước tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật. Cơ cấu nội ngành nông nghiệp đã có bước chuyển biến tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm từ 5-6%/năm. Riêng năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,41% (năm 2016) xuống còn 21,81%; an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo; dân chủ ở cơ sở được phát huy. “Lào Cai xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trên khắp các địa phương.
Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM đặc biệt được chú trọng và triển khai ở tất cả các cấp, các ngành và bằng nhiều hình thức; qua đó, nhận thức của cán bộ, nhân dân trên toàn tỉnh về mục đích, ý nghĩa của Chương trình ngày càng được nâng cao. Người dân đã thực sự vào cuộc, phấn khởi, tin tưởng và tích cực, nhiệt tình tham gia Chương trình xây dựng NTM. Thực tế đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, chẳng hạn như: Phong trào tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động được nhân dân tích cực hưởng ứng…
Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đã quan tâm, chú trọng bố trí nguồn đầu tư cho thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Giai đoạn 2011-2017, tổng nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương là trên 13.240 tỷ đồng; trong đó, vốn trực tiếp cho Chương trình đạt gần 3.701 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác đạt trên 7.783 tỷ đồng; vốn huy động từ nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp đạt trên 1.756 tỷ đồng…. Kết cấu hạ tầng kinh tế nông thôn không ngừng được hoàn thiện. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, nhất là ở các xã đã hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được ưu tiên xây dựng nhanh và tương đối đồng bộ. Các thiết chế văn hóa, thể thao, sự nghiệp giáo dục, y tế, thông tin truyền thông được tăng cường đầu tư và phát triển mạnh, góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương được tăng cường…
Duy trì tiêu chí đang là thách thức không nhỏ
Theo Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, năm 2017, bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã là 10,02 tiêu chí, tăng 0,76 tiêu chí/xã so với năm 2016. Mặc dù đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 35 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; tuy nhiên, vẫn còn nhiều xã không duy trì được tiêu chí đã hoàn thành.
Theo từng tiêu chí và theo số liệu thống kê, duy nhất chỉ có tiêu chí số 12 (lao động việc làm) là có số xã đạt cao nhất 143/143 xã. Hầu hết các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất và hệ thống chính trị, sự nghiệp văn hóa, giáo dục đều được duy trì và tăng thêm số xã hoàn thành. Các tiêu chí không duy trì được là: Thu nhập, hộ nghèo và hình thức tổ chức sản xuất. Một số tiêu chí đạt được không bền vững như: An ninh trật tự, môi trường…
Đối với việc duy trì các tiêu chí của 28 xã hoàn thành NTM từ năm 2016 trở về trước, theo kết quả giám sát thực tế của cơ quan chuyên môn cho thấy, chất lượng tiêu chí quy hoạch NTM của các xã không cao, khó thực hiện; các tiêu chí liên quan đến phát triển sản xuất, thu nhập, xóa đói giảm nghèo cơ bản được nâng lên so với thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn NTM, tuy nhiên tốc độ chậm. Việc duy trì tiêu chí về giao thông nông thôn tại các xã cơ bản thực hiện tốt; song phần lớn tiêu chí này tại các xã mới đạt ở mức trung bình. Một số tuyến đường đã bị xuống cấp, sạt lở…
Việc duy trì tiêu chí điện nông thôn tại 28 xã hoàn thành NTM đang được thực hiện tốt. Tiêu chí chợ nông thôn được duy trì, nhưng một số chợ chưa phát huy được hiệu quả. Đặc biệt, tiêu chí vệ sinh môi trường nông thôn đang được các xã tiếp tục duy trì thực hiện, tuy nhiên có xu hướng chững lại. Một số thôn không được xanh, sạch, đẹp như thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM…
Giữ vững các tiêu chí đã đạt được đang là thách thức không nhỏ đối với nhiều xã, bởi được công nhận đạt chuẩn mới chỉ là bước khởi đầu trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Vấn đề quan trọng hơn là phải giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Do đó, để giữ vững các tiêu chí đã đạt được trong xây dựng NTM, thiết nghĩ, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là các xã cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về việc giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, trong đó đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu, nói và làm đúng thì dân mới tin và làm theo. Thực tiễn cho thấy, nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì cho dù hoàn cảnh khó khăn vẫn tạo ra những chuyển biến rõ nét.
Từng thời kỳ, từng địa bàn cần lựa chọn phong trào chuyên đề xây dựng NTM cho phù hợp với thực tiễn để phát động và tổ chức thực hiện phù hợp với nguồn lực, sức dân. Các địa phương cần coi trọng xây dựng đội ngũ làm công tác xây dựng NTM trở thành lực lượng nòng cốt. Đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp và khu vực nông thôn, nông thôn mới để phát triển kinh tế gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, kết hợp với những giải pháp phù hợp nhằm duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Đây cũng sẽ là căn cứ, động lực để các xã NTM duy trì và quyết tâm giữ vững các tiêu chí đã đạt được.