BVR&MT – Những năm qua, từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước về thực hiện các chính sách giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới cùng với sự chỉ đạo thường xuyên của chính quyền địa phương, phát huy nội lực của người dân, công tác giảm nghèo ở xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) đã có nhiều chuyển biến.
Là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn, cũng là đơn vị hành chính được hình thành từ việc sáp nhập 2 xã Long Phúc và Long Khánh theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Phúc Khánh hiện có 14 thôn, bản với hơn 1.360 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao và Tày. Để thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, xã Phúc Khánh đã và đang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo thường xuyên việc triển khai các nghị quyết, chương trình, chính sách đến với người dân, đồng thời huy động nguồn lực, tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp, mạnh dạn đầu tư cho các mô hình kinh tế mới hiệu quả và có thể nhân rộng.
Thôn Làng Đẩu có 100% hộ đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Trước đây, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai, ý thức tham gia phong trào xây dựng thôn Làng Đẩu “xanh – sạch – đẹp” của người dân đã có sự thay đổi. Không chỉ tham gia hiến đất, đóng góp ngày công để mở đường và cứng hóa đường liên thôn, người dân còn tích cực phát triển kinh tế lâm nghiệp. Hàng trăm ha đất đồi bị bỏ hoang đã được phủ xanh bởi những đồi quế, mỡ, bồ đề. Nhờ phát triển trồng rừng, người dân thôn Làng Đẩu đã có thu nhập ổn định, nhiều ngôi nhà được xây dựng khang trang. Bức tranh nông thôn mới ở Làng Đẩu khởi sắc.
Ông Hoàng Văn Hàn, Trưởng thôn Làng Đẩu vui mừng: Làng Đẩu có sự đổi thay như ngày hôm nay là nhờ chủ trương đúng của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của hệ thống chính trị và người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Làng Đẩu hiện có 109 hộ thì chỉ còn hơn 20 hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Kinh tế phát triển, thu nhập ổn định, 100% hộ mua được xe máy, ti vi và nhiều vật dụng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt. Cả thôn chỉ còn 4 hộ phải sống trong nhà tạm.
Ngoài việc duy trì sản xuất nông nghiệp truyền thống như cấy lúa, trồng ngô, sắn, người dân Phúc Khánh còn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trên cơ sở lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, trong đó mô hình trồng cây cam V2 đang được nhiều hộ lựa chọn.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn cam 4 năm tuổi đã cho thu hoạch từ năm 2020, bà Hoàng Thị Đông (thôn Chí Ngoài) cho biết: Năm 2017, gia đình tôi phát dọn gần 1 ha đất đồi bỏ hoang để đầu tư trồng 400 gốc cam V2.
Sau 3 năm chăm sóc, tháng 8/2020, hơn 200 cây cam trong vườn đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Bình quân mỗi cây cam cho thu hoạch khoảng 40 kg quả, sau khi trừ chi phí, vườn cam đem lại nguồn thu gần 30 triệu đồng cho gia đình.
Tin tưởng vào mô hình phát triển kinh tế mới, gia đình bà Đông và nhiều hộ khác trên địa bàn xã Phúc Khánh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, góp phần hình thành vùng sản xuất cây ăn quả đặc trưng của địa phương.
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh cho biết: Theo lộ trình, năm 2023 xã Phúc Khánh sẽ “về đích” nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, xã Phúc Khánh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ngoài việc xác định mỗi năm đạt từ 3 đến 4 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân và giảm tỷ lệ hộ nghèo vẫn là nhiệm vụ quan trọng, được thực hiện xuyên suốt.
Do điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho việc dồn điền, đổi thửa, xã khuyến khích người dân hình thành các cánh đồng lúa một giống để đảm bảo sản lượng và tăng năng suất; vận động bà con duy trì chăm sóc và trồng mới 1.000 ha quế, hơn 3.000 ha cây lâm nghiệp để cung ứng nguyên liệu cho 6 xưởng chế biến gỗ ván bóc và nhà máy MDF đóng trên địa bàn xã. Các hộ cũng đẩy mạnh phát triển nuôi cá tầm, trồng cây sa nhân tím, ba kích tím, khoai môn… Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 30 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 18,7% (giai đoạn 2015 – 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm).