BVR&MT – Nghĩ rằng phải cố gắng để thoát ly khỏi nghề làm nông “chân lấm tay bùn”, nhưng khi là ông chủ thành công trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thì ông Trần Quốc Bình, thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà (Bảo Thắng) lại bị màu xanh của những tán rừng thôi thúc ông quay trở lại làm nông dân theo cách rất đặc biệt.
Sau gần 8 năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1990, ông Trần Quốc Bình phục viên trở về địa phương xây dựng gia đình. Đất nước đổi mới, mở cửa, gia đình ông cũng chuyển đổi nhiều nghề, xoay sở cuộc sống. Sau khoảng 10 năm, vợ chồng ông cũng gây dựng được cơ ngơi khang trang, đó là một cửa hàng kinh doanh tạp hóa “to” và một phòng khám nội tổng hợp có uy tín tại trung tâm thị trấn Phố Lu (Bảo Thắng).
Khi kinh tế ổn định, có “của ăn, của để”, ông Bình sắp xếp thời gian đi thăm đồng đội, bạn bè xưa. Trong số bạn bè của ông có nhiều người làm nông dân, cũng có người khấm khá, nhưng cũng còn người khó khăn. Ông cảm nhận rằng cuộc sống điền viên có nhiều điều đáng quý, được gần gũi với thiên nhiên, lại được ăn thực phẩm do chính tay mình trồng cấy. Vậy nên ông bị màu xanh của những gia trại, trang trại của bạn bè “thôi miên” lúc nào không hay.
Sống ở phố huyện lúc đó là ước mơ của nhiều người, nhưng ông Bình bỗng nghĩ ngược. Ông chỉ ước có một khu vườn đồi nho nhỏ, có ao nuôi cá, trồng ít cây, nuôi vài chục con gà. Ước mơ thành sự thật khi năm 2000, ông mua được một khu vườn đồi nho nhỏ ở thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà. Ban đầu, ông nuôi ít cá, trồng ít cây ăn quả, trồng ít rừng để thư giãn là chính. Thế mà càng làm càng ham, cả tuần ông quanh quẩn với vườn cây, ao cá không về nhà. Ông bảo: Làm rồi mới biết, cái “máu” làm nông dân của mình hóa ra nhiều hơn cái “máu” làm thương mại ở phố huyện!
Tư duy của một thương nhân đã tự yêu cầu ông khi làm nông nghiệp không thể làm theo chủ nghĩa kinh nghiệm, manh mún như ngày xưa. Thế là ông bắt tay vào vạch, vẽ đường đi nước bước như kinh doanh ngoài thương trường. Ông tham khảo nhiều mô hình, rồi về chia trang trại của mình thành từng khu vực: Khu đào ao thả cá, khu làm chuồng nuôi hươu, khu nuôi gà thả vườn, khu trồng rừng… Ông thuê thêm nhiều lao động địa phương. Cứ luôn chân luôn tay, cuốn theo từng mùa, từng vụ, từ một “thương nhân nhỏ”, ông Trần Quốc Bình trở thành một “nông dân lớn” lúc nào không hay.
Từ hơn 5 ha vườn rừng mua lúc đầu, ông Trần Quốc Bình để nuôi cá, nuôi hươu và gà. Mỗi năm ông lại dồn tiền mua thêm đất để trồng rừng, đến nay ông có hơn 40 ha rừng quế xanh tốt. Với kinh nghiệm hơn 20 năm gắn bó với nghề trồng rừng, ông luôn chú trọng lựa chọn cây giống. Ông đi khắp nơi, từ Bắc Hà đến huyện Văn Yên (Yên Bái) học kinh nghiệm trồng quế. Ông bảo, nhiều hộ chọn cách tỉa cành, lá để bán, nhưng theo kinh nghiệm của tôi, nếu thường xuyên tỉa cành, lá cây sẽ bị tổn thương, dẫn đến chậm lớn, ảnh hưởng đến chất lượng vỏ quế và hàm lượng tinh dầu. Vì vậy, hằng năm tôi chỉ tỉa những cây còi cọc, sâu bệnh để những cây khỏe mạnh phát triển tốt, nhờ đó quế lớn nhanh, cây to đều, mẫu mã và chất lượng vỏ tốt, giá bán cao hơn nhiều so với các hộ cùng thôn.
Ông Trần Quốc Bình tự nhận mình là người duy mỹ, những đồi cây không chỉ phát triển tốt mà còn phải đẹp, thẳng hằng thẳng lối, phân lô khoa học. Thế nên trước khi trồng rừng, ông bố trí làm đường đi, với những đồi cao thì ông mở đường men theo triền đồi, bố trí bãi đất rộng để xe vận tải có thể quay đầu khi vào vận chuyển quế. Quế trồng phải thành hàng, thành lối để tiện bón phân, làm cỏ, không tham lam trồng quá dày cây sẽ chậm lớn. Ba năm đầu sau khi trồng quế, ông trồng xen cây sắn để tạo bóng mát cho quế lớn, cũng là có nguồn thu để trả công lao động và mua phân bón. Ông bảo, mình phải tính toán cẩn thận ngay từ lúc bắt tay vào đầu tư thì mọi việc sau đó mới thuận buồm xuôi gió được.
Trung bình mỗi năm gia đình ông Bình thu hơn 500 triệu đồng từ bán quế, nhung hươu, cá. Riêng năm nay, ông có hơn 10 ha quế đến tuổi khai thác, tính nhanh cũng thu về trên chục tỷ đồng. Từ mong ước được mở trang trại để vui thú điền viên lúc về già, giờ nguồn thu từ đồng đất này đã giúp ông thành tỷ phú.
Đi dưới những vạt rừng quế xanh tốt, đồng chí Trương Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hà nhận xét: Ở Sơn Hà, phong trào trồng rừng rất mạnh, có nhiều hộ trồng rừng giỏi, nhưng điển hình và đặc biệt nhất là ông Trần Quốc Bình. Không chỉ được biết đến với danh gọi “tỷ phú rừng” Làng Chưng, ông Bình còn được người dân trong làng yêu mến gọi là “lão nông thân thiện”, bởi tính tình cởi mở, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương và hay giúp đỡ những hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xóm. Với những kinh nghiệm có được trong phát triển kinh tế, ông luôn sẵn lòng chia sẻ với các hộ trong thôn. Vừa rồi ông được bà con trong thôn tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ sản xuất quế hữu cơ, tin rằng thời gian tới, giá trị sản phẩm quế của thôn, xã sẽ được cao, thu nhập từ trồng quế thêm bền vững.
Chia tay ông Trần Quốc Bình, lão nông đặc biệt ở thôn Làng Chưng, nhìn những đồi quế xanh ngát như những nấc thang xanh nối tận chân trời, tôi vẫn tiếc vì chuyến đi này chưa thể tham quan hết hơn 40 ha quế của ông. Câu nói của người cựu chiến binh hòa cùng màu xanh bạt ngàn của rừng “tôi có làm được gì đâu, chỉ góp một phần công sức nhỏ bé để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giữ màu xanh cho quê hương, cũng là của để dành cho thế hệ mai sau”, khiến tôi xúc động và thêm khâm phục ý chí, sự quyết tâm, tình yêu rừng của người lính Cụ Hồ trong thời bình.