BVR&MT – Một trong những kết quả đáng mừng sau hơn 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đó là đại đa số người dân trên địa bàn tỉnh đã có ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ môi trường.
Nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan thì việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới tại địa bàn vùng cao luôn khó khăn hơn nhiều so với các vùng khác. Đó là do địa hình các xã vùng cao có sự chia cắt mạnh, nên khó bố trí quỹ đất để thực hiện các chỉ tiêu trong nội dung tiêu chí như nghĩa trang, bãi rác thải tập trung. Rào cản nữa là đa số người dân sinh sống trên địa bàn vùng cao là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn và tồn tại không ít hủ tục…
Tuy nhiên, nhờ sự chủ động vào cuộc của cả hệ thống chính trị với nhiều cách làm hay, qua hơn 7 năm triển khai chương trình xây dựng NTM, đến nay, môi trường sống tại nhiều xã vùng cao đã chuyển biến tích cực. Đơn cử như xã Nậm Đét (Bắc Hà), khoảng 10 năm về trước, khi đi trên những tuyến đường trong xã, chúng tôi thường bắt gặp người dân địa phương phơi chất thải gia súc chiếm tới 2/3 mặt đường; cống, rãnh thoát nước hai bên đường không được nạo vét, gây ứ đọng, bốc mùi khó chịu; xung quanh nhà ở của nhiều hộ là chất thải gia súc và rác thải sinh hoạt… Nhưng hiện tại, cảnh quan môi trường trên địa bàn xã đã đổi thay theo hướng xanh, sạch, đẹp. Trên các tuyến đường dẫn về 8 thôn của xã, không còn cảnh người dân phơi chất thải gia súc trên mặt đường, hệ thống cống rãnh thoát nước được khơi thông. Ghi nhận nữa là rác thải sinh hoạt được thu gom thường xuyên, dụng cụ lao động không còn để bừa bộn. Sự thay đổi ấy thể hiện từ tư duy đến hành động của người dân địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Bà Lý Thị Trạn, ở thôn Nậm Đét, xã Nậm Đét chia sẻ: Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, nhiều đoàn cán bộ của tỉnh, huyện và xã thường xuyên xuống các thôn thăm hỏi và vận động người dân tham gia xây dựng NTM và bảo vệ môi trường. Ban đầu, một số hộ thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh nhà chỉ vì “không muốn để các đoàn cán bộ đến nhắc nhở”. Sau rồi, việc làm này trở thành thói quen và đến bây giờ cả thôn cùng làm, nhất là khi bà con thấy trẻ em ít bị ốm hơn trước vì môi trường xung quanh nhà ở được vệ sinh sạch sẽ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Nậm Đét khá linh hoạt trong việc vận động người dân thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Ví dụ, bên cạnh việc xây dựng hố rác thải tập trung, xã còn giao các hội, đoàn thể giúp các hộ xây dựng lò đốt rác và đào hố chôn lấp rác thải theo nhóm hộ. Đến nay, cả xã có 254 lò đốt rác theo nhóm hộ, giúp các hộ ở xa hố rác tập trung không mất nhiều công sức, chi phí vận chuyển rác thải sinh hoạt đi tiêu hủy mà vẫn đạt được hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường. Ông Triệu Phúc Nhuần, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Đét chia sẻ: “Địa hình xã bị chia cắt mạnh, các thôn ở xa nhau đến cả chục km, nếu chỉ xây dựng hố rác thải tập trung mà không xây lò đốt rác và đào hố rác thải theo nhóm hộ thì rất khó giữ gìn vệ sinh môi trường”. Nhờ vậy, xã Nậm Đét đã cơ bản hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.
Tại xã đã về đích xây dựng NTM như Mản Thẩn (Si Ma Cai), ý thức và hành động bảo vệ môi trường sinh thái của người dân cũng trở thành nền nếp. Ngoài việc giữ gìn không gian sống của mỗi gia đình, thì các thôn trong xã đều duy trì “Ngày Chủ nhật xanh” – ngày mọi người dân chung tay vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khơi thông rãnh thoát nước… Ồng Viên Đình Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Khi mới triển khai tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM, Si Ma Cai gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của người dân, lĩnh vực này dần được cải thiện. Toàn huyện có 4/13 xã hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, là Mản Thẩn, Si Ma Cai, Bản Mế, Sín Chéng. Các xã còn lại hoàn thành từ 60% đến 80% chỉ tiêu của tiêu chí. Một trong những cách làm sáng tạo của huyện Si Ma Cai là yêu cầu cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước, đăng ký mỗi năm vận động, hướng dẫn và giúp đỡ từ 5 đến 7 hộ ở gần khu vực gia đình mình sinh sống làm theo.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tỉnh Lào Cai, đến nay, toàn tỉnh có 35/143 xã hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM. Ông Bùi Công Khanh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm tại các địa phương có sự chuyển biến rõ nét. Năm 2018, toàn tỉnh có 10 xã đăng ký, cam kết hoàn thành tiêu chí này”. Theo ông Khanh, sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh chính là yếu tố để các địa phương tích cực triển khai thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm về xây dựng NTM giai đoạn 2017 – 2020 được Tỉnh ủy ban hành có nhiệm vụ thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng hiện nay, việc thực hiện tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đang có sự chênh lệch giữa các địa phương. Nhiều nơi thực hiện khá hiệu quả, nhưng có những nơi lĩnh vực này chưa thực sự được chú trọng. Ví dụ như huyện Sa Pa – Khu Du lịch quốc gia, hiện mới có xã Nậm Cang hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm; kết quả thực hiện tiêu chí này ở các xã khác đạt thấp. Mong rằng trong thời gian tới, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh sớm khắc phục những khó khăn, hạn chế để thực hiện hiệu quả tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM.