BVR&MT – Hướng tới kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022), 33 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2022), với chủ đề “Uống nước nhớ nguồn”, mới đây Trường Tiểu học Xuân Đỉnh (Quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) đã tổ chức chương trình gặp mặt giao lưu nhân chứng lịch sử, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam Lê Duy Ứng.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Duy Ứng sinh ngày 8 tháng 7 năm 1947, là đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, họa sĩ đồng thời cũng là nhà điêu khắc. Ông từng học tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội với quyết tâm theo đuổi con đường hội họa. Năm 1971, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông xếp bút nghiên, tình nguyện xung phong đi bộ đội đánh giặc cứu nước.
Suốt cuộc đời mình, họa sĩ, thương binh Lê Duy Ứng đã sáng tác hàng nghìn bức tranh, tượng, giành nhiều giải thưởng nghệ thuật trong và ngoài nước, trong đó phần lớn là những bức tranh, tượng về Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông nổi tiếng với bức hoạ “Ánh sáng niềm tin” vẽ chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh bằng máu của mình khi bị thương mù cả hai mắt ngày 28/4/1975 trên đường tiến vào Sài Gòn. Ông đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công, 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang, Huy chương Quân kỳ quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác; được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ngày 30/10/2013.
Trong không khí trang trọng của buổi giao lưu, AHLLVTND Lê Duy Ứng đã xúc động chia sẻ cùng cán bộ, giáo viên và các em học sinh Trường Tiểu học Xuân Đỉnh về tinh thần chiến đấu quật cường của bộ đội ta, ý chí quyết tâm dành thắng lợi. Khẳng định truyền thống vẻ vang, sự lớn mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong 78 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Đặc biệt, nói về bức hoạ nổi tiếng “Ánh sáng niềm tin”, ông bồi hồi nhớ lại: “Bức tranh được tôi vẽ trong trận chiến ác liệt tại cửa ngõ Sài Gòn. Khi quân đội Việt Nam Cộng hòa cố thủ, bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn, tôi theo đoàn quân, mũi cánh đông, tiến vào giải phóng. Tôi được giao nhiệm vụ ghi lại hình ảnh bộ đội chiến đấu bằng máy ảnh, máy quay và cặp vẽ để đưa vào truyền thông. Rạng sáng 28/4/1975, khi đang tác nghiệp, thì một quả đạn chống tăng nổ làm tung xích xe tăng, bên cạnh tôi, người đồng đội là chiến sĩ trinh sát đã hy sinh. Còn tôi bị thương rất nặng ở hai mắt và bất tỉnh.
Trong lúc nguy kịch, sau khi tỉnh lại, nghĩ rằng mình sắp chết, ngay trên tháp xe tăng 847 đang bốc cháy, tôi đã mò mẫm trong đêm tối dùng ngón tay làm bút chấm máu chảy ra từ đôi mắt bị thương của mình để vẽ nên bức chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh với nền là lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng Cộng sản Việt Nam, phía dưới ghi đậm dòng chữ “Ánh sáng niềm tin/Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân” và lại ngất đi. Bức tranh này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh”.
Câu chuyện mà AHLLVTND Lê Duy Ứng chia sẻ như những thước phim lịch sử quay chậm, khiến những ai chưa từng phải trải qua chiến tranh cũng phần nào hình dung được mức độ ác liệt của nó, cảm phục và biết ơn những tấm gương chiến đấu dũng cảm.
Tại buổi giao lưu, các thầy, cô giáo và các em học sinh Trường Tiểu học Xuân Đỉnh không giấu nổi sự xúc động, đồng thời tỏ ra vô cùng hào hứng khi gửi câu hỏi tới bác như: “Khi bác bị thương nặng như vậy, Bác đã suy nghĩ như thế nào mà lại vẽ chân dung Bác Hồ?/ Khi bị thương 2 mắt, bác đã vượt lên như thế nào để chiến đấu với số phận nghiệt ngã ấy? Bác có nhắn nhủ gì tới lớp trẻ hôm nay không?…”
Đáp lại tình cảm đó, AHLLVTND Lê Duy Ứng đã dành tặng một món quà vô cùng ý nghĩa dành cho thầy cô và các em học sinh nhà trường khi dùng đôi tay tài hoa của mình để vẽ bức tranh chân dung hai học sinh của trường Tiểu học Xuân Đỉnh dành tặng những bó hoa tươi thắm dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu chỉ trong khoảnh khắc. Tất cả mọi người chăm chú dõi theo, rồi vỡ òa trong niềm thán phục, trầm trồ ngợi khen.
Sau gần hai giờ đồng hồ gặp gỡ và chia sẻ, AHLLVT Lê Duy Ứng chia tay trong sự bịn rịn, xúc động của mọi người. Ông dặn dò các em học sinh hãy ra sức chăm ngoan, học giỏi để sau này đóng góp cho sự phát triển của đất nước, xứng đáng với sự hy sinh lớn lao của các bậc cha ông. Buổi giao lưu là một kỉ niệm khó phai trong lòng mỗi thầy cô giáo, các em học sinh trường Tiểu học Xuân Đỉnh, giáo dục lòng tự hào dân tộc và bồi dưỡng tinh thần lạc quan, nghị lực sống cho thế hệ trẻ và gợi niềm tự hào trong mỗi chúng ta.
PV