Lan tỏa văn hóa dân tộc thiểu số Tây Nguyên

BVR&MT – Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, tỉnh Kon Tum đã đạt được một số thành tựu quan trọng, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Người Brâu tại làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) trình diễn cồng chiêng. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Nằm ở phía Bắc của khu vực Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có dân số khoảng 590.000 người với 43 dân tộc; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%.

10 năm qua, Tỉnh ủy Kon Tum đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và các chủ trương của Đảng về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành đã phổ biến, quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng.

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 122.000 hộ gia đình văn hóa, đạt 87%; có 723/756 khu dân cư văn hóa, đạt 95%; 957/980 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 2023 – 2027, đạt 97,65%. Toàn tỉnh đã xây dựng được 1.276 mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại; có 49/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó có 44 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với công tác phát triển văn hóa, đến nay, toàn tỉnh Kon Tum có 27 di tích được xếp hạng và 29 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê. Ngoài không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, tỉnh cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là Sử thi dân tộc Ba Na – Rơ Ngao (2015); Lễ Et Đông (Tết ăn con dúi 2021); nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na (2023).

Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Kon Tum có gần 2.400 bộ cồng chiêng, trong đó 358 bộ của tập thể, 2.034 bộ của cá nhân; tăng 178 bộ so với năm 2020; có 437/503 làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có nhà Rông. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã phục dựng được 22 nghi lễ – lễ hội tiêu biểu của các dân tộc thiểu số như: Lễ hội mừng lúa mới, Lễ hội ăn trâu, mừng nhà rông mới, lễ hội Cưới truyền thống của các dân tộc Bahnar, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, B’Râu; Lễ hội bỏ mả, mừng lúa mới của dân tộc Rơ Măm, Sa Thầy… Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

“Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới đã có nhiều chuyển biến tích cực; đã xây dựng và đưa các phong trào thi đua về văn hóa lan tỏa rộng khắp, được nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia”, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum U Huấn khẳng định.

Xã hội hóa đầu tư cho văn hóa

Dù đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, song Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum U Huấn cho rằng, việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Đơn cử như việc đầu tư thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ phát triển văn hóa còn khó khăn; việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, văn học – nghệ thuật trên địa bàn tỉnh còn hạn chế; các sản phẩm văn hóa phục vụ cho du lịch, dịch vụ chưa phong phú, đa dạng; hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh chưa thường xuyên.

Phân tích những tồn tại, hạn chế này, ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho rằng, hiện nay, nguồn kinh phí đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung, các di tích lịch sử – văn hóa còn hạn chế, trong khi công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, nhất là trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc thiểu số gần như không có.

Bên cạnh đó, sự tác động mạnh mẽ của văn hóa hiện đại, nhất là về âm nhạc đương đại, truyền thanh, truyền hình, khoa học – công nghệ và mạng lưới thông tin… ảnh hưởng lớn đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số.

Ông Thái Văn Tưởng, Bí thư Huyện ủy Đăk Glei cũng phân tích, nguồn ngân sách của huyện phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống còn khó khăn. Từ năm 2022 đến nay, nguồn ngân sách cấp huyện chỉ bố trí 90 triệu đồng để mở các lớp dạy kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, chưa đảm bảo kinh phí để hỗ trợ cồng chiêng cho các thôn, làng chưa có cồng chiêng. Năm 2024, huyện bố trí 255 triệu đồng để trang bị 5 bộ cồng chiêng, trống cho 5 thôn đồng bào dân tộc thiểu số chưa có cồng chiêng.

Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông trăn trở, thời gian qua, trước tác động của mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng sự phát triển nhanh của khoa học, kỹ thuật và Internet làm gia tăng sự du nhập văn hóa bên ngoài thiếu lành mạnh, khiến văn hóa các dân tộc thiểu số bản địa trên địa bàn huyện đang có dấu hiệu dần biến mất. Qua khảo sát cho thấy, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa còn lưu giữ một số di sản văn hóa, nhất là các lễ hội dân gian, lễ hội văn hóa truyền thống. Song, một số lễ hội có tính kết cấu cộng đồng cao đã mai một nhiều, cần được phục dựng, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc bản địa.

Để khắc phục những khó khăn, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum U Huấn yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng; hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa; bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống của các dân tộc; xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu về lĩnh vực văn học, nghệ thuật, cán bộ văn hóa, quản lý văn hóa, nhất là ở cơ sở.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá rộng khắp hình ảnh quê hương, con người và giá trị văn hóa đặc trưng của Kon Tum; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, sản phẩm, dịch vụ du lịch, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh, nhất là loại hình du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm với chủ thể tham gia là người dân tại chỗ; từng bước mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn học, nghệ thuật với bạn bè các nước trong khu vực và trên thế giới.