BVR&MT – Tại cuộc họp báo, đại diện một số bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan vấn đề gia hạn thời hạn sử dụng vaccine phòng Covid-19, kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế, xử lý sai phạm tại một số vụ án, vụ việc nóng… là những vấn đề được các nhà báo đặt ra tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành làm rõ thêm.
Chiều 2/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.
Xúc tiến mở lại các đường bay quốc tế
Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, việc mở các mở đường bay là nhu cầu thực tế, khách quan trong đại dịch này. Không chỉ riêng Việt Nam mà các quốc gia khác cũng xem xét mở lại chuyến bay quốc tế để phát triển kinh tế-xã hội, giao thương cũng như đi lại của kiều bào trong dịp Tết.
Bộ đã xây dựng kế hoạch và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngày 8/11, trong đó đưa ra các quốc gia dự kiến, ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có nhiều kết nối với chúng ta thì có 10 quốc gia khác và phân ra làm 3 giai đoạn khác nhau với lộ trình, tần suất và các biện pháp phòng, chống dịch kèm theo bảo đảm nhu cầu đi lại của hành khách và đánh giá theo cầu của các thị trường đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các Bộ: Ngoại giao; Công an; Y tế; Văn hóa, Thể thao và Du lịch… để hoàn thành kế hoạch trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Quyết định này trên cơ sở có điều kiện. Điều kiện mở chuyến bay thì chúng ta phải xem xét các yếu tố như khả năng phòng, chống dịch; tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân để miễn dịch cộng đồng; quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận của các quốc gia, đồng thuận về phương thức kiểm dịch của các quốc gia mà chúng ta kết nối. Hộ chiếu vaccine là công cụ để chúng ta mở chuyến bay cũng như các biện pháp hành chính khác.
Mở với quốc gia nào chúng ta phải có sự đồng thuận của quốc gia đó. Các hãng hàng không phải tuân thủ các quy định. Tóm lại, chúng ta tiếp tục trao đổi, thỏa thuận với các quốc gia trên cơ sở lộ trình chúng tôi đưa ra và quyết định trên cơ sở đồng thuận các quốc gia. Gần đây có thêm biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, đây là một biến động khiến tất cả các nước thận trọng hơn, xem xét, đánh giá kỹ. Tại kế hoạch bộ đã trình, dự kiến từ tháng 12 hoặc từ đầu năm 2022 có thể có những chuyến bay nhưng do biến chủng mới, cần rà soát và tiếp tục làm việc với các quốc gia để có thể nối lại đường bay sớm nhất. Trên cơ sở làm việc, Bộ sẽ rà soát, báo cáo để Thủ tướng quyết định.
Nỗ lực giảm các ca tử vong do Covid-19
Đại diện Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh hiện tại tiếp tục diễn biến phức tạp, số mắc cao, ca tử vong có chiều hướng tăng. Qua thống kê hầu hết số ca tử vong tăng nhiều ở nhóm trên 50 tuổi kết hợp với các bệnh nền tiểu đường, ung thư, tim mạch, chiếm trên 80%. Bộ Y tế đã có một số giải pháp như:
Thứ nhất, quan tâm theo dõi người có bệnh nền, tuổi nguy cơ cao trên 50 tuổi, phân tầng điều trị phù hợp.
Thứ hai, các bệnh viện thực hiện đánh giá phân loại nguy cơ theo dõi sát bệnh nhân, Bộ Y tế đã có hướng dẫn phân loại cụ thể, dễ thực hiện.
Thứ ba, tiếp tục hỗ trợ nhân lực cho các địa phương có số ca nặng tăng cao. Bộ trưởng Y tế đã có Quyết định 5500/QĐ-BYT ngày 30/11 về phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị Covid-19 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thứ tư, tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, vệ sinh môi trường, giảm nguy cơ lây nhiễm tới các nhân viên y tế, nhiễm khuẩn bệnh viện…
Thứ năm, kích hoạt lại trung tâm hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid-19 từ xa.
Thứ sáu, các địa phương cử người có năng lực, trực tiếp chỉ đạo thực hiện thu dung một cách thích hợp, tránh chuyển tầng quá sớm. Nếu chuyển tầng quá sớm thì quá tải, còn quá muộn lại tăng nguy cơ tử vong, nên cần thiết phải chuyển tầng theo đúng hướng dẫn phân loại của Bộ Y tế.
Thứ bảy, cần xây dựng hệ thống giám sát nguyên nhân tử vong do Covid-19.
Cuối cùng, ngày 1/12, Bộ trưởngY tế đã có công điện tiếp tục triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19, trong đó, nêu cụ thể từng biện pháp tại các tỉnh, thành phố, bệnh viện, cơ sở y tế, cơ sở thu dung, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19.
Về vấn đề tiêm vaccine mũi 3, thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tính đến ngày 1/12, cập nhật trên Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19 cho thấy cả nước đã tiêm trên 125 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi và trẻ em ở độ tuổi 12-17. Trong đó, tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là hơn 94% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 68% dân số từ 18 tuổi trở lên. Nhiều tỉnh, thành phố tiêm đủ 2 mũi cho 80-90% người trên 18 tuổi trên địa bàn. Tiêm đủ liều cơ bản quan trọng trong chống dịch nên cần ưu tiên tối đa.
Để tăng phòng, chống dịch cho người đã tiêm đủ liều cơ bản theo khuyến cáo chuyên gia tư vấn, ngày 1/12 Bộ Y tế có Công văn 0225/BYT-DP về việc tiêm vaccine phòng Covid-19 liều cơ bản và nhắc lại.
Sớm trình Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế là nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ KH&ĐT thực hiện, chủ trì. Theo kế hoạch, chương trình này sẽ được trình lên Quốc hội vào phiên họp bổ sung cuối năm nay. Về nội dung cơ bản, chương trình phục hồi gồm 5 nhóm giải pháp chủ yếu gồm y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp/hợp tác xã/hộ gia đình, kích thích đầu tư công, cải cách hành chính.
Là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ KH&ĐT cho rằng, 5 nhóm giải pháp này đã đủ mạnh và cơ bản bao quát hết các lĩnh vực cần hỗ trợ cũng như cấu trúc của nền kinh tế, hướng tới phục hồi nhanh và phát triển sau khi kiểm soát được đại dịch. Liên quan đến “thời gian đủ dài” và “quy mô đủ lớn”, về thời gian, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Chính phủ thời gian áp dụng Chương trình khoảng 2 năm, tập trung chủ yếu năm 2022 và 2023. Tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh và diễn biến của một số giải pháp sẽ phải kéo dài thêm. Ví dụ như các dự án đầu tư công có quy mô lớn, điển hình là cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025. Đây là dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và trong thời gian dài, do đó rất khó có thể thực hiện trong vòng 2 năm. Như vậy, thời gian sẽ gắn với mục tiêu phát triển và chủ yếu tập trung trong năm 2022, 2023.
Trong 3 nội dung mà Thủ tướng Chính phủ nói về Chương trình phục hồi, “giải pháp đủ mạnh, thời gian đủ dài, quy mô đủ lớn” có liên quan chặt chẽ với nhau. Nếu như giải pháp đủ mạnh sẽ tốn kém chi phí, nếu kinh phí giới hạn thì thời gian sẽ phải kéo dài thêm, đây là mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố này.