BVR&MT – Sau khi phát hiện sự cố dầu thải, một số cán bộ của Viwasupco đã không có bất cứ hành vi ứng cứu, ngăn chặn ô nhiễm nào mà để mặc kệ để váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý.
Chiều 15/10, trong cuộc họp báo về hiện tượng nước sạch có mùi lạ tại Hà Nội, ông Lê Văn Dục-Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đề nghị chỉ đạo Công an tỉnh điều tra hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Viwasupco không ngăn chặn khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải. Đối với sai phạm của một số công nhân Viwaco, ông Dục “đề nghị xử lý đúng theo quy định của pháp luật.”
Theo ông Dục, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã xác định đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, Hà Nội đã thành lập ngay một tổ công tác do giám đốc Sở Xây dựng là trưởng đoàn, có sự tham gia của Sở Y tế, Sở Tài nguyên-Môi trường, Trung tâm kiểm soát bệnh tật thuộc Sở Y tế, Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông, tổ chức kiểm tra ngay.
Đoàn liên ngành cũng yêu cầu lãnh đạo Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty nước sạch Hà Đông và lãnh đạo Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà báo cáo giải trình.
Tại cuộc họp báo, kết quả xác minh ban đầu của vụ việc đã chính thức được công bố. Đoàn liên ngành đã kiểm tra toàn bộ quá trình vận hành Nhà máy nước mặt sông Đà, lấy mẫu nước để xét nghiệm tại nhà máy (trước nguồn) sau khi xử lý các bể chứa trung gian, bể tăng áp tại huyện Thạch Thất, quận Nam Từ Liêm và tại bể chứa nước cấp nước của công ty tại khu vực quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, bể chứa của một số chung cư, vòi nước hộ gia đình.
Theo đó, vào ngày 8/10, tại khu vực đầu nguồn tại khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy nước Sông Đà).
Vào thời điểm này, một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện, nhưng đã không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như thành phố Hà Nội.
Các cán bộ này cũng không có bất cứ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.