BVR&MT – Từng hạnh phúc khi có một gia đình viên mãn, thế nhưng chỉ vì một phút nông nổi khi nghe bạn bè chê vợ mình xấu gái, Hồ Văn Thuyết đã bỏ thuốc độc vào bát cháo, sát hại người vợ của mình.
Hoàn lương sau những ngày tù tội
Ra tù khi một cánh tay đã mất hẳn, con đường trở lại với cuộc sống đời thường của người đàn ông một thời mang tội càng thêm mù mịt. Chán nản, ông Thuyết không về quê nhà ở huyện Quỳnh Lưu mà lang thang khắp nơi, sống vạ vật cho qua ngày đoạn tháng. Qua mai mối, ông Thuyết lập gia đình với người phụ nữ ở huyện Đô Lương. Nhưng sau hai năm chung sống, người vợ đó đã rời bỏ đi không một lý do.
Từ đó, ông lang bạt ở mảnh đất đồi núi Nghĩa Dũng tiếp tục làm thuê cuốc mướn, rồi một lần cùng đi phát rừng thuê, tình cờ quen chị Vi Thị Ngân (SN 1965), quê xã Nghĩa Dũng. Chị Ngân vốn là người dân tộc Thái, đã qua một lần đò có 2 người con riêng. Năm 1999, hai người dọn về ở với nhau sau một đám cưới đạm bạc. Hạnh phúc với họ lúc đó thật bình dị khi hằng ngày cùng nhau phát nương, làm rẫy trong khu đất rừng mới mua được.
Ngày mới đến với nhau, mặc dù chị Ngân đang nuôi hai con riêng còn nhỏ, nhưng ông Thuyết vẫn luôn yêu thương như chính con đẻ của mình. Ông nhớ lại: “Lúc mới về, tôi cũng thấy mặc cảm và tự ti với mấy đứa con. Sợ con sẽ không chấp nhận một người cha vào tù ra tội như mình. Nhưng dần chúng cũng hiểu và chấp nhận người cha này, tôi vui lắm!”. Hạnh phúc với họ lúc đó thật bình dị, khi hàng ngày cùng nhau phát nương, làm rẫy trong khu đất rừng chắt chiu mới mua được.
Thương yêu vợ, ông dành hết tình cảm của mình cho hai đứa con riêng của vợ rồi lấy họ mình làm họ cho hai con. Hơn một năm sau (2001), người con chung Hồ Văn Lưu chào đời đã minh chứng cho tình yêu của hai vợ chồng. Đứa con của người vợ đầu tên Hồ Văn Tiến, ông cũng đón lên đây sinh sống. Từ đây, mái ấm gia đình với hai vợ chồng và 4 người con sống yêu thương, hết lòng đùm bọc lẫn nhau. Anh Tiến sau đó lấy vợ ở riêng cùng thôn với bố.
Hiện nay, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe đã yếu nhưng hàng ngày, ông vẫn lên rẫy trồng cây gây rừng phát triển kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đến nay, số diện tích trồng cây của ông đã phủ kín một màu xanh, đàn trâu, đàn gà của ông ngày càng phát triển, nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống viên mãn.
Giây phút chia tay chúng tôi, chợt nhớ về quá khứ lầm lỗi, ông Thuyết tâm sự: “Mười mấy năm trả giá trong lao tù, trở về nhà với hình hài là một phế nhân, cánh tay bị cắt cụt, tôi đã thấm thía được tội lỗi của mình. Tôi chỉ mong, quá khứ của mình sẽ là bài học lớn cho những cặp vợ chồng trẻ. Hạnh phúc mong manh lắm. Nếu không gìn giữ, nó sẽ tan vỡ như chính những gì tôi đã trải qua”.
Đình Nguyên