BVR&MT – Số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ chỉ chiếm 5%, còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ. Việc mất cân đối giữa việc sử dụng phân bón vô cơ và hữu cơ đang gây nhiều hệ lụy đến hệ sinh thái nông nghiệp cũng như chất lượng nông sản.
Gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường
Sáng 9/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị phát triển phân bón hữu cơ.
Theo Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại. Tính trên đơn vị diện tích thì lượng phân bón sử dụng trung bình mỗi năm là 1.000 kg/ha đất sản xuất nông nghiệp, hiệu quả sử dụng phân bón nói chung chỉ đạt 45 – 50%.
Tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 713 sản phẩm, chiếm 5% so với tổng số sản phẩm phân bón (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ và 1,3% là phân bón sinh học.
Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật Hoàng Trung cho biết, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đã gấp hơn 19 lần số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ.
Theo các số liệu của FAO, việc lạm dụng phân bón vô cơ đã dẫn đến hiện tượng đất nông nghiệp đang suy giảm độ phì nhiêu, một số diện tích đã bị thoái hóa nghiêm trọng do xói mòn, rửa trôi, chua mặn hóa… Đồng thời, việc lạm dụng phân bón vô cơ cũng dẫn tới nhiều vấn đề về an toàn thực phẩm như dư lượng kim loại nặng và nitrat trong sản phẩm nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sản phẩm nông sản sẽ gặp khó khăn khi lạm dụng phân bón vô cơ, bởi đòi hỏi ngày càng cao hơn của thị trường trong nước và quốc tế về hướng thân thiện môi trường, hướng hữu cơ, nông nghiệp đặc sản.
Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi các giải pháp thích ứng, trong đó, biện pháp canh tác là một trong những giải pháp chủ động, căn cơ ban đầu trong nhóm hệ thống canh tác.
Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ được coi là giải pháp quan trọng, đặt ra cho khu vực nông nghiệp hiện nay.
Tăng cường theo hướng hữu cơ
Phân bón hữu cơ có nhiều đặc tính tốt cho cây trồng và hệ sinh thái đất, cải thiện tính chất vật lý và tăng tỷ lệ cấu trúc của đất; chống rửa trôi xói mòn, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phân bón hữu cơ là loại truyền thống thường được sử dụng trong nông nghiệp. Việt Nam có thể phát triển nhanh phân bón hữu cơ về sản xuất và tiêu thụ. Đồng thời, nhu cầu thị trường sử dụng phân bón hữu cơ ở Việt Nam rất lớn, khoảng 10 triệu ha đất canh tác, với hơn 20 triệu ha lượt đất canh tác. Cùng với đó, phế phụ phẩm trong trong trồng trọt từ 60 – 70 triệu tấn, sản phẩm chế biến từ cây công nghiệp, thủy sản, mỗi loại khoảng vài chục triệu tấn, 7 tỷ tấn than bùn… là điều kiện thuận lợi để sản xuất phân hữu cơ.
Việt Nam có hàng trăm doanh nghiệp, mặc dù mới tập trung đầu tư vào công nghệ sản xuất phân hữu cơ, nhưng đã có 43.000 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bà con nông dân và hợp tác xã ứng dụng phân hữu cơ và coi đó là yếu tố sản xuất sạch chất lượng cao. Kể cả yêu cầu thị trường trong nước về sản phẩm sạch, hữu cơ đang mở ra cho sản xuất phân hữu cơ.
Để phát triển phân bón hữu cơ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết sẽ tập trung thực hiện nhóm giải pháp của Chính phủ, thông qua hành động quyết liệt của doanh nghiệp, sự ủng hộ vào cuộc của người dân ở cả mảng tiêu dùng sản phẩm và ứng dụng đưa vào sản xuất; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để định hướng phát triển.
Theo đó, mục tiêu tăng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp để sử dụng trong nước ít nhất là 3 triệu tấn/năm và xuất khẩu đạt 0,5 triệu tấn/năm. Tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ so với tổng số sản phẩm phân bón từ 5% hiện nay lên 10% trong thời gian tới. Khuyến khích vận động để đảm bảo ít nhất 50% trong tổng số các đơn vị sản xuất phân bón cả nước cam kết đầu tư phát triển sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là các đơn vị sản xuất phân bón vô cơ lớn hiện nay.