BVR&MT – Thời gian qua, Hạt kiểm lâm huyện Than Uyên tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý và kiểm soát chặt chẽ các cơ sở chế biến lâm sản để hạn chế thấp nhất việc khai thác gỗ trái phép và thu mua lâm sản không rõ nguồn gốc.
Huyện Than Uyên có 28.291ha rừng, trong đó 25.900ha rừng tự nhiên, 2.390ha rừng trồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 35,71%. Trên địa bàn huyện có trên 20 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản, trong đó có 5 cơ sở kinh doanh, chế biến quy mô lớn tập trung ở địa bàn xã Mường Than, Mường Cang và thị trấn huyện. Hạt kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất, chế biến và người dân thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp, không khai thác lâm sản trái phép, không mua bán, vận chuyển, tàng trữ, cất giấu lâm sản không rõ nguồn gốc. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời hành vi lấn chiếm đất rừng, chặt phá, khai thác rừng, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật.
Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cấp ủy, chính quyền xã, thị trấn tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn, quản lý, giám sát chặt chẽ việc phát dọn, đốt nương rẫy của Nhân dân trong suốt mùa khô đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy rừng. Xây dựng kế hoạch, tổ chức quản lý, giám sát và xử lý nghiêm minh các trường hợp khai thác lâm sản, săn bắt động vật trái pháp luật, lấy lâm sản phụ và phá rừng làm nương rẫy.
Là cơ quan chuyên môn quản lý bảo vệ rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về bảo vệ phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra truy xuất nguồn gốc lâm sản theo định kỳ hàng quý; kịp thời xử lý triệt để các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời, kiểm lâm địa bàn thường xuyên xuống cơ sở kiểm tra, nắm bắt thông tin kịp thời về việc khai thác, thu mua lâm sản không rõ nguồn gốc tại các cơ sở chế biến lâm sản.
Là cơ sở sản xuất chế biến gỗ lớn trên địa bàn xã Mường Than, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Bảo Dương chuyên thu mua, sản xuất, chế biến gỗ các loại. Tuy nhiên, Công ty luôn chấp hành nghiêm việc thu mua gỗ thông qua đấu giá, hoặc mua các loại gỗ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đặc biệt, khi mua gỗ của người dân có sự xác nhận của chính quyền địa phương và kiểm lâm địa bàn.
Năm 2021, Hạt đã phát hiện xử lý 2 cơ sở sản xuất chế biến, tịch thu 1,103m3 gỗ xẻ Pơ mu nhóm IIA, thu nộp ngân sách nhà nước 10 triệu đồng. Qua tuần tra, kiểm tra, truy xuất nguồn gốc lâm sản, phát hiện xử lý 26 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, lâm sản tịch thu 12,52m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước trên 347 triệu đồng. Phối hợp các xã, thị trấn quản lý tốt việc khai thác lâm sản của các hộ với diện tích khai thác 13,52ha; khối lượng lâm sản khai thác 867,749m3; khai thác cây trồng phân tán với khối lượng 22,489m3.
Xác định diện tích rừng của Than Uyên lớn, lại tiếp giáp với các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lào Cai nên nguy cơ chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, không rõ nguồn gốc là rất lớn. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc cùng lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc khai thác, vận chuyển, tiêu thụ lâm sản trái phép. Tích cực tuyên truyền, vận động chủ cơ sở chế biến gỗ, người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kinh doanh, buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản. Góp phần giữ rừng xanh tốt, tăng tỷ lệ che phủ rừng, đảm bảo môi trường sinh thái, tăng nguồn kinh phí từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.