BVR&MT – Ngoài thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) còn chủ động triển khai các giải pháp để quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Qua đó, ngăn chặn, xử lý kịp thời và tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Theo thống kê của Sở TN&MT, toàn tỉnh hiện có 75% diện tích tự nhiên được Bộ TN&MT điều tra, đánh giá trữ lượng và phát hiện có các loại khoáng sản chính như: đất hiếm, barit, fluorit, vàng, đồng, chì, kẽm, đá phiến lợp, đá xi-măng. Trong đó, có 169 mỏ, điểm mỏ khoáng sản thuộc 5 nhóm khoáng sản: nhiên liệu, kim loại, khoáng chất công nghiệp, nước nóng và vật liệu xây dựng được đánh giá là đa dạng phong phú, trữ lượng lớn.
Từ năm 2004 đến nay, UBND tỉnh đã cấp 78 giấy phép, trong đó 53 giấy phép khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp và 25 giấy phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Hiện có 27 giấy phép còn hiệu lực gồm: 2 giấy phép khoáng sản kim loại và khoáng chất công nghiệp như: mỏ đất hiếm Đông Pao (huyện Tam Đường) và mỏ chì kẽm Si-Phay (huyện Phong Thổ); 25 giấy phép khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (20 mỏ đá và 5 mỏ cát).
Để quản lý và bảo vệ khoáng sản, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ký quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát sỏi lòng sông, suối tại khu vực giáp ranh với các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên. Sở cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, UBND các cấp thực hiện quản lý, bảo vệ khoáng sản kịp thời khi có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành, UBND các cấp trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại xã Sùng Phài (thành phố Lai Châu) tình hình khai thác khoáng sản đã đi vào nề nếp. Theo chị Sùng Thị Dẻ – Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Hiện, xã có 2 mỏ đá được cấp phép khai thác là Công ty TNHH số 10 Lai Châu và Công ty TNHH Lương Việt (thành phố Lai Châu). Qua kiểm tra, giám sát, 2 doanh nghiệp này chấp hành đúng tọa độ khai thác cho phép. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn chưa xảy ra trường hợp người dân lén lút khai thác khoáng sản trái phép. Tuy vậy, xã cũng tiếp tục tăng cường tuần tra nhằm kịp thời xử lý vi phạm.
Có mặt tại mỏ đá của Hợp tác xã (HTX) Xuân Thanh (xã Mường So, huyện Phong Thổ), đơn vị được cấp phép khai thác với trữ lượng 56.000 m3 đá thành phẩm/năm. HTX đầu tư hệ thống camera để theo dõi cũng như cử cán bộ thường xuyên kiểm đếm số xe ra vào mỏ nhằm tránh thất thoát tài nguyên. Cùng với đó đầu tư 1 hệ thống phun nước tại dàn nghiền đá liên hợp, góp phần giảm thiểu bụi ra môi trường. Từ khi được cấp phép khai thác hoạt động, HTX luôn tuân thủ các quy định của Nhà nước trong việc khai thác khoáng sản. Những khu vực nào chưa khai thác thì đơn vị cắm mốc đánh dấu, tránh tình trạng khai thác vượt diện tích đã được cấp giấy phép.
Đồng chí Ngô Xuân Hùng – Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, sở chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, phối hợp các đơn vị chức năng, huyện, thành phố rà soát, kiểm tra các khu vực có khả năng xảy ra khai thác trái phép; quản lý hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn. Từ năm 2020 đến hết tháng 8/2021, sở đã kiểm tra 76 tổ chức liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản. Qua kiểm tra phát hiện xử phạt vi phạm hành chính với 5 tổ chức và 1 cá nhân với tổng số tiền hơn 170 triệu đồng. Đối với các doanh nghiệp được cấp phép, hàng năm Sở TN&MT phối hợp các huyện, thành phố kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản; thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại như: một số chính quyền địa phương, đặc biệt là cấp xã chưa chủ động thực hiện hết trách nhiệm theo phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác đã được UBND tỉnh phê duyệt. Các điểm khai thác trái phép chủ yếu ở vùng sâu, địa hình phức tạp núi dốc, hiểm trở nên khó phát hiện xử lý tịch thu phương tiện vi phạm. Công tác thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản chưa được thường xuyên. Văn bản quy định của pháp luật chưa đồng bộ và chưa đủ sức răn đe, nhất là quy định về xử lý hình sự trong khai thác khoáng sản trái phép. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập. Tiêu biểu như vừa qua UBND xã Noong Hẻo (huyện Sìn Hồ) đã lập biên bản 7 đối tượng khai thác vàng trái phép, song chỉ có 5 đối tượng có chứng minh Nhân dân nên chỉ ra quyết định xử phạt 5 đối tượng, 2 đối tượng còn lại không bị xử phạt dẫn đến một số cá nhân lợi dụng bất cập của pháp luật tiếp tục thực hiện khai thác trái phép.
Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra trách nhiệm UBND các xã trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ khoáng sản đến tổ chức, cá nhân; đặc biệt là bà con sinh sống tại khu vực có các loại khoáng sản như: vàng, đồng, kẽm… Cùng với đó, chủ động phối hợp với Sở TN&MT các tỉnh: Yên Bái, Sơn La, Điện Biên triển khai thực hiện các quy chế phối hợp bảo vệ khoáng sản tại các khu vực giáp ranh đã ký kết.