BVR&MT – Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ xác định là giải pháp trọng điểm, làm nền tảng cho quá trình phát triển bền vững.
Sìn Hồ huyện khó khăn của tỉnh, qua thống kê mới nhất cho thấy, gần 30% nguồn nhân lực tại địa phương là người dân tộc thiểu số, ở độ tuổi lao động đi làm kinh tế ở ngoài tỉnh… Điều đó có nghĩa là nguồn lao động nơi đây hoàn toàn có khả năng thích nghi và làm tốt nhiều công việc đòi hỏi kỹ năng cao ở các môi trường làm việc khác nhau.
Việc đa dạng hóa các ngành nghề, chú trọng đào tạo sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ là chiến lược lâu dài, phù hợp với đặc thù của địa phương, thời gian qua, nhờ sư quan tâm của huyện, nhiều lao động người địa phương từng bước tiếp cận được khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ tay nghề, tạo việc làm ổn định. Trong đó, công tác đào tạo nghề được Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện triển khai thường xuyên liên tục, với mục tiêu nâng cao trình độ nguồn nhân lực tại chỗ, phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân.
Qua 10 năm thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thực hiện các tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 35% (năm 2010) lên 72,5% (năm 2020); vượt chỉ tiêu chung về tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo khoảng 20%. Chuyển đổi cơ cấu lao động từ 65% làm nông nghiệp (năm 2010) xuống còn khoảng 30,4% (năm 2020). Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và du lịch dịch vụ có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm hơn 6%/năm.
Anh Sùng A Nhè, người dân bản Thà Giàng Chải, xã Tả Ngảo cho biết: 2 năm trước tôi được chính quyền xã cử tham gia học lớp trồng cây dược liệu. Học xong, tôi đã áp dụng kiến thức để trồng cây đương quy, hiện nay loại cây này cho năng suất và thu nhập cao hơn cây lúa và các loại cây hoa màu khác từ 4 – 6 lần. Nhờ được tham gia học nghề, gia đình tôi và nhiều hộ trong bản có thu nhập ổn định, thoát được nghèo.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ thường xuyên phối hợp với các sở, ngành, đơn vị trong và ngoài tỉnh triển khai những dự án thiết thực, tập trung đào tạo tay nghề, hỗ trợ việc làm cho người lao động địa phương. Qua khảo sát, các lớp đào tạo đã thu hút được rất nhiều học viên là người dân tộc thiểu số tham gia. Nội dung đào tạo tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp, đa dạng ngành nghề như: kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây cao su, chè, lạc, ngô, lúa nước, đặc biệt là cây dược liệu; kỹ thuật chăn nuôi bò, dê, gà; dệt thổ cẩm, làm du lịch cộng đồng. Từ đó, nâng cao tỷ lệ lao động miền núi, vùng sâu có việc làm ổn định và có trình độ, đáp ứng được yêu cầu chung.
Từ năm 2018 đến nay, huyện đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 5.000 học viên ở 15 lĩnh vực. Đa số các học viên được đào tạo đều có thể tự phát triển được kinh tế tại địa phương, một số tham gia lao động tại các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, số ít thì lao động tại các nhà máy, xí nghiệp ngoài tỉnh. Các tổ chức hội, đoàn thể huyện cũng tập trung triển khai nhiều nội dung tuyên truyền, hướng nghiệp, giáo dục để người dân nâng cao nhận thức về công tác đào tạo nghề. Cơ quan chuyên môn thường xuyên bám sát địa bàn tìm hiểu nhu cầu đào tạo, khoanh vùng nhu cầu thực tế từng đối tượng, giúp nâng cao chất lượng đào tạo. 6 tháng đầu năm 2021 do chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh và cách ly xã hội nên Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện chỉ tổ chức được 2 lớp đào tạo nghề cho gần 200 học viên là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo…
Anh Tần A Xoang – Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sìn Hồ cho biết: Lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn sau khi được đào tạo qua các lớp nghề sơ cấp đã nâng cao trình độ tay nghề; mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cơ khí… Nhiều lao động sau khi được đào tạo nghề đã tìm được việc làm mới phù hợp, có thu nhập ổn định. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình; từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương, đáp ứng cơ bản nguồn nhân lực cho các chương trình mục tiêu quốc gia.
Có thể nói, việc đào tạo nghề cho lao động miền núi, vùng sâu, vùng khó khăn là cơ sở để đẩy mạnh các hoạt động giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Quan trọng hơn là giúp hộ nghèo, cận nghèo, người dân tăng thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Về phía chính quyền địa phương, kết quả tích cực đó còn tạo bước chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, làm đa dạng hóa các ngành nghề tại địa phương.