Là xã biên giới khó khăn của huyện Mường Tè, trình độ nhận thức, lao động sản xuất hạn chế nhưng với việc đẩy mạnh khai hoang đất sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã dần thay đổi xã vùng biên. Từ đó, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Trước đây, khi đến với Pa Vệ Sủ, chúng tôi chỉ cảm nhận được cái nghèo bủa vây, đất sản xuất thì nhiều nhưng luôn ở tình trạng cằn cỗi, cỏ mọc um tùm, nhà ở thì giống như lán nương, dân lười lao động, chỉ trông chờ vào các nguồn hỗ trợ. Nhưng từ lúc cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động, đẩy mạnh khai hoang, đưa giống mới vào sản xuất, năng suất được cải thiện, bà con từng bước làm chủ cuộc sống.
Để tăng diện tích đất sản xuất, cải thiện năng suất, sản lượng lương thực, chính quyền xã phối hợp với Đồn Biên phòng Pa Vệ Sủ tăng cường xuống các bản, nhất là bản khó khăn, giáp biên để vận động bà con xóa bỏ hủ tục, thay đổi cách sản xuất. Các anh gõ cửa từng nhà, gặp gỡ từng người dân nhắc nhở, khuyến khích tăng gia sản xuất, tích cực mở rộng đất canh tác, không gò bó trên những thửa ruộng, nương ngô mà thế hệ trước để lại. Đồng thời cầm tay chỉ việc, sắn tay áo, cầm cuốc, xẻng cùng dân bản khai hoang, phát dọn bụi rậm, cỏ gianh, xử lý đất cằn cối, bạc màu.
Anh Vàng Hà Chóng – Chủ tịch UBND xã Pa Vệ Sủ chia sẻ: Lúc đầu tuyên truyền người dân gặp nhiều khó khăn vì bà con không chịu lao động, chỉ muốn sống với những gì có trước đây. Những lúc như vậy, chúng tôi tích cực bám sát cơ sở, tuyên truyền, vận động làm cho dân hiểu, dân biết để thay đổi. Cán bộ xã còn đánh giá thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho việc canh tác mới tiến hành khai hoang. Yêu cầu các hội, đoàn thể xã tạo cơ hội, khuyến khích hội viên tăng cường sản xuất, nâng cao nguồn thu nhập.
Nhận thức thay đổi, 707 hộ thuộc 12 bản của xã biết “tự đứng lên” mang công cụ lao động đi khai hoang đất sản xuất, biến nơi khô cằn thành đồng ruộng, nương ngô. Từ đó, mỗi năm khai hoang từ 3 đến 5ha, riêng năm 2017-2018 khai hoang được 7 đến 10ha, năm 2020 khai hoang 3ha giúp tăng diện tích đất sản xuất lên 468ha. Có đất canh tác, các giống ngô, lúa có chất lượng như: hương thơm 61, bắc thơm, MX10 được đưa vào thay thế các giống cũ, khoa học kỹ thuật được áp dụng, cơ giới đưa vào sản xuất, nâng cấp, cải tạo công trình thủy lợi giúp ngô, thóc làm ra đạt năng suất từ 32-48 tạ/ha, tổng sản lượng lương thực đạt 1.734 tấn, tăng 585 tấn so với năm 2019, bình quân lương thực đạt 614kg/người/năm 2020. Kết thúc mùa vụ, bà con còn trồng các loại rau xanh đem lại năng suất cao. Nông sản làm ra không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn dư thừa trở thành hàng hóa cung cấp ra ngoài thị trường.
Bà Ly A Do (ở bản Seo Thèn) cho biết: “Nhờ có cán bộ xã tuyên truyền, định hướng, người dân trong bản tích cực khai hoang, tăng diện tích đất sản xuất. Cán bộ xã còn hướng dẫn cách trồng, chăm sóc nên vụ nào cũng được mùa, cái ăn, cái mặc không còn phải lo nghĩ. Cuộc sống đi lên, người dân đoàn kết xây dựng bản giàu đẹp, lưu giữ bản sắc truyền thống. Gia đình tôi đầu tư trồng ngô, lúa, mỗi vụ thu hoạch từ 70 đến 80 bao”.
Còn anh Vàng A Phà (ở bản Thò Ma) chia sẻ: Mùa vụ năm ngoái, tôi thu được gần 100 bao thóc, ngô chất đầy nhà nên cái ăn dư thừa, tôi còn đem bán để kiếm thu nhập, cuộc sống khá giả hơn. Là trưởng bản, tôi tích cực tuyên truyền bà con tăng gia sản xuất, đẩy mạnh khai hoang, nghe theo lời cán bộ xã, Đồn biên phòng.
Không chỉ khai hoang đất trồng lúa, ngô, người dân còn quy hoạch các diện tích đất chưa sử dụng để làm bãi chăn thả nuôi gia súc, tích cực trồng cỏ voi, VA06; đẩy mạnh bảo vệ, phát triển rừng; trồng cây công nghiệp, dược liệu, ăn quả trên diện tích gần 600ha. Ngoài ra, các hội, đoàn thể xã thường xuyên giúp đỡ hội viên, cùng hội viên khai hoang, sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 60%, thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm 2020. Cuộc sống đổi thay, người dân quan tâm đến mọi mặt của xã hội, cho con trẻ đến trường, lưu giữ nét văn hóa truyền thống, tích cực giữ vững an ninh bản, bảo vệ chủ quyền biên giới.
Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục đẩy mạnh khai hoang, nâng cao chất lượng giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, nghiên cứu chuyển từ 1 vụ lên 2 vụ lúa, ngô để cải thiện năng suất, sản lượng cây trồng – anh Chóng cho biết thêm.