BVR&MT – Bén rễ trên đất Sìn Hồ đã 13 năm, cây cao su đã cùng người dân nơi đây trải qua biết bao thăng trầm. Giờ đây, 8.000ha cây cao su trên địa bàn huyện đang vươn mình phủ xanh các sườn đồi. Với xã Chăn Nưa, phần lớn diện tích cây cao su đã cho khai thác mủ, góp phần ổn định đời sống người dân.
Xã Chăn Nưa là địa phương cửa ngõ của huyện Sìn Hồ, có điều kiện tự nhiên khá đặc biệt. Phần lớn diện tích của xã thuộc vùng ngập lòng hồ Thủy điện Sơn La. Xã gồm 8 bản với 650 hộ, 2.793 nhân khẩu, trong đó dân tộc Thái chiếm 91,6%, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 84%. Tỷ lệ hộ nghèo của xã trước thời điểm tái định cư còn cao, nông thôn mới khi đó với người dân còn là điều xa lạ. Đặc biệt, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, bà con nơi đây phải thực hiện tái định cư. Khi diện tích đất canh tác truyền thống bị thu hẹp, tác động đến sinh kế người dân, thì việc góp đất trồng cây cao su là cơ hội để địa phương phát triển bền vững.
Trước những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền huyện đã dành nhiều nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia cho người dân trong xã có điều kiện xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Cùng với sự hỗ trợ đó, người dân xã Chăn Nưa còn trồng trên 2.030ha cây cao su với 636 hộ tham gia góp đất trồng. Thời điểm năm 2008, 100% số hộ trong xã đều tham gia góp đất.
Trải qua những giai đoạn khó khăn, đến nay, cây cao su đã góp phần tạo thêm thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Thời gian gần đây mặc dù chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II (đóng chân trên địa bàn xã Chăn Nưa) luôn đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Hiện, công ty tạo việc làm thường xuyên cho 300 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương với thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Nhiều gia đình khó khăn được công ty hỗ trợ từ 25-30 triệu đồng để sửa nhà. Nhờ nguồn thu nhập ổn định từ cây cao su, người dân trên địa bàn xã Chăn Nưa có thêm cơ hội thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Anh Lò Văn Nam (người dân bản Chiềng Chăn, xã Chăn Nưa) cho biết: Tôi làm công nhân Nông trường Cao su Chăn Nưa đến nay đã hơn 4 năm. Thời gian học việc, lương công nhân được 3,1 triệu đồng/tháng. Sau khi làm quen với khung thời gian làm việc, cách vận chuyển mủ và việc cạo mủ nên sản lượng tăng, do vậy lương được tăng lên hơn 6 triệu đồng/tháng. Làm công nhân khai thác mủ chỉ mất khoảng 4 tiếng buổi sáng, sau đó có thời gian làm việc khác cũng giúp tôi có thêm thu nhập”.
Được biết, thời gian qua Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II thực hiện đầy đủ chế độ chính sách cho công nhân và đã thực hiện chi trả hơn 3.272 triệu đồng cho các hộ gia đình, cá nhân tham gia góp đất tại tiểu vùng III, trong đó chủ yếu diện tích trên địa bàn xã Chăn Nưa.
Cũng như gia đình anh Nam, ông Khoàng Văn Piêng (ở bản Chiềng Chăn) tham gia góp đất trồng cây cao su từ năm 2009 với diện tích gần 5ha, đến nay có 2,1ha đất trồng cây cao su đã cho thu hoạch. Ông Piêng cho biết: Đầu năm 2021, gia đình tôi được công ty chi trả hơn 1,6 triệu đồng tiền góp đất. Trong xã cũng có nhiều hộ được tiền chia lợi nhuận từ diện tích đất của mình, chúng tôi rất phấn khởi. Từ năm 2010 đến nay, gia đình tôi gắn bó với nông trường cao su, nhờ đó kinh tế ổn định. Có vốn tôi đã tái đầu tư vào chăn nuôi, hiện gia đình nuôi đàn bò 8 con.
Người dân xã Chăn Nưa đã dần vươn lên ổn định cuộc sống, một phần nhờ giá trị thiết thực mà cây cao su được trồng trên địa bàn mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả khả quan đó, công tác chi trả phần trăm cho một số hộ dân góp đất đang gặp trở ngại, do công tác đính chính mã sử dụng đất, đo đạc quy chủ, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khiến quyền lợi của một số hộ bị ảnh hưởng.
Anh Lò Văn Phong – Chủ tịch UBND xã Chăn Nưa cho biết: Nhờ có tái định cư, phát triển cây cao su nên đến nay đời sống của người dân trong xã từng bước nâng cao. Đường nhựa đến các bản. Điện, nước, trường học, nhà văn hóa được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Tất cả các nhà dân đều được làm bằng gỗ lợp tôn kiên cố. Xã cũng đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.
Đến với các bản của xã Chăn Nưa hôm nay, những diện tích đất bạc màu xưa kia giờ là cánh rừng cao su xanh tốt. Người dân nhận thức rõ hơn về vai trò của cây cao su cũng như lợi ích của việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Thu nhập bình quân của xã năm 2021 ước đạt 27-29 triệu đồng/người/năm, cao hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.