BVR&MT – Nhiều năm qua, trong mắt cán bộ, người dân, đồng nghiệp, học sinh nơi “12 tầng dốc”, thầy giáo Phạm Xuân Trường – Hiệu trưởng Trường THCS Sì Lở Lầu (huyện Phong Thổ) là một người con của bản; là người anh thân thiết, gần gũi; là người thầy trách nhiệm, nhiệt tình đã thắp sáng tri thức cho giáo dục vùng biên khởi sắc. Từ lời động viên, sự giúp đỡ của thầy, biết bao thế hệ học trò được viết tiếp những giấc mơ “đi học”.
Từ dặm đường xa mang kiến thức đến với xã nghèo
Qua bao lần hứa hẹn, chúng tôi mới đến được với Trường THCS Sì Lở Lầu. Trong tưởng tượng của chúng tôi, phòng hiệu trưởng khang trang và có đủ cơ sở vật chất làm việc như bao trường khác. Thế nhưng, thực tế làm chúng tôi ngỡ ngàng, nơi làm việc của hiệu trưởng là một phòng nhỏ ngay trong khu bán trú của học sinh; chiếc bàn làm việc vừa đủ để chiếc máy tính, tài liệu và mấy tập bài thi thầy đang chấm dở; phía sau chiếc rido màu xanh là nơi nghỉ ngơi.
Thấy chúng tôi ngơ ngác nhìn, thầy Trường mỉm cười, rót ly trà nóng mời chúng tôi uống cho ấm bụng sau chặng đường dài mưa rét. Sau đó thầy bắt đầu câu chuyện về hành trình mang “con chữ” đến với nơi đây. Thầy sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình. Năm 1998, học xong THPT thầy lên Lai Châu dạy 3 năm ở xã Nậm Hàng (Mường Lay cũ, nay thuộc tỉnh Điện Biên) rồi đi học Cao đẳng Sư phạm ở tỉnh Điện Biên chuyên ngành văn – sử. Năm 2004, khi vừa chia tách thành lập tỉnh, thầy quay trở lại Lai Châu công tác ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phong Thổ. Qua 3 năm làm Tổng phụ trách Đội ở Trường THCS Dào San; năm 2008, thầy Trường được phân công làm Hiệu phó phụ trách Trường THCS xã Sì Lở Lầu.
Thầy Trường chia sẻ: Bố mẹ đều làm nghề nông, anh chị làm giáo viên nên ảnh hưởng ít nhiều tới định hướng nghề nghiệp của tôi. Bản thân rất yêu nghề sư phạm, nhất là muốn cống hiến cho những vùng đất còn khó khăn như Lai Châu nên tôi chọn miền đất này bắt đầu sự nghiệp “trồng người”. Khi được lãnh đạo phân công lên Sì Lở Lầu – nơi xa nhất của huyện Phong Thổ công tác, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng là vì tiếp tục mang kiến thức đến với những bản nghèo; còn lo là mình ở vai trò mới, liệu có gánh vác nổi. Thời ấy, chưa có đường đẹp để đi như bây giờ, các thầy, cô giáo phải đi bộ từ Dào San lên, mất cả một ngày đường mới tới nơi. Học sinh cũng ít hơn, hôm nào mưa gió rét hay vào vụ mùa, học sinh thường nghỉ học. Điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn; lớp học là phòng tạm bợ, dột nát; mùa đông gió lùa qua khe cửa ù ù; mùa mưa tránh từng chỗ dột ướt.
Để học sinh đến trường học đầy đủ, thầy Trường cùng đồng nghiệp, cán bộ xã đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con đi học. Đi nhiều đến nỗi, thầy nhớ hết mọi ngóc ngách, ngôi nhà, chủ hộ ở từng bản. Song song với đó, thầy tự nhủ với bản thân càng phải cố gắng nhiều hơn nữa, luôn đặt trách nhiệm công việc lên trên; động viên cán bộ, giáo viên cùng nỗ lực vượt khó khăn, gần gũi học sinh như người cha, người mẹ, anh chị. 4 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, năm 2012, được bổ nhiệm làm hiệu trưởng, trách nhiệm, áp lực càng dồn lên đôi vai của thầy Trường.
Lo cho học sinh đầy đủ điều kiện đến trường
Như một cái duyên định mệnh, cách đây 5 năm, trong một lần đi tập huấn, qua những mối quan hệ xã giao, thầy đã kết nối với tấm lòng hảo tâm của một vị Sư thầy ở Sa Pa (Lào Cai) ủng hộ từ quỹ “Xây trường vùng cao” làm 7 phòng học lắp ghép mái tôn cho 3 trường, mỗi phòng rộng 30m2 với đầy đủ trang thiết bị: bàn ghế, bảng và 5 phòng ngủ có đủ giường, chăn chiếu. Cùng với đó, thầy kêu gọi từ nhiều nhóm từ thiện khác trong cả nước hỗ trợ sách vở, quần áo, chăn màn cho học sinh để phụ huynh yên tâm cho con đến trường mà không phải lo chỗ ăn, chỗ ngủ.
Mỗi dịp tết, lễ hội hay các chương trình văn nghệ, thầy tiếp tục kêu gọi ủng hộ bánh kẹo, trang phục múa hát, phụ kiện tạo động lực cho học sinh vui chơi, múa hát. Qua đó, không chỉ tạo hứng thú để các em tiếp tục đến trường mà còn góp phần giúp các em tự hào, gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc.
Bất chợt, chúng tôi hỏi: “Có khi nào, công việc kêu gọi từ thiện của thầy cho học sinh trong trường được người khác cho là “rỗi hơi” không? Thầy Trường thản nhiên cười, đáp lại: Có nhiều chứ, có người còn hỏi tôi là làm từ thiện ấy được bao nhiêu tiền! Trước mỗi câu hỏi như vậy, tôi chỉ cười thôi. Với tôi, phương châm sống là “Làm thật tâm, sống thật tâm” thì cảm thấy thoải mái và hiệu quả trong công việc và cuộc sống. Để kêu gọi được các nơi từ thiện cho trường, bản thân tôi cũng phải nhiệt tình tham gia từ thiện ở các nơi khác; mỗi khi đoàn từ thiện lên giúp đỡ, mình tiếp đón chu đáo bằng cái tâm. Dù nghèo về cơ sở vật chất nhưng tình cảm thì không nghèo, chỉ bồi đắp thêm thôi.
Có lẽ, chẳng có một ngôi trường nào ở vùng khó huyện biên giới Phong Thổ mà học sinh không bao giờ phải lo thiếu vở viết, sách giáo khoa, quần áo ấm như Trường THCS Sì Lở Lầu. Bởi nơi ấy có một thầy giáo tận tâm, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nhờ đó, nhiều năm qua, gần 100% học sinh trong độ tuổi đến trường; tỷ lệ chuyên cần duy trì 95%; chất lượng học sinh khá giỏi ngày càng nâng lên. Điển hình năm học 2020-2021, toàn trường có trên 30% học sinh đạt học lực khá, giỏi, trên 65% học sinh học lực trung bình; không có học sinh bỏ học giữa chừng. Hàng năm, trường còn có học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Đồng chí Tẩn Sài Đông – Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu cho biết: Thầy Trường rất có tâm huyết, gắn bó với giáo dục của xã. Nhờ có thầy với nhiều chương trình, mô hình sáng tạo đã giúp học sinh nơi đây được đến trường viết những ước mơ.
Còn thầy giáo Nguyễn Xuân Hòa – người đã có 13 năm gắn bó với thầy Trường chia sẻ: Trong công việc, thầy Trường là người quyết đoán, làm việc có tình, có lý. Trong cuộc sống rất tình cảm với đồng nghiệp, hòa đồng, gắn bó, đoàn kết nội bộ; hết mực yêu thương học sinh. Điều đặc biệt là thầy được Nhân dân rất quý mến.
Rời ngôi trường THCS Sì Lở Lầu, chúng tôi mang theo những kỷ niệm, hình ảnh đẹp về một người thầy với học sinh vùng biên nơi đây. Phải chăng nặng lòng với học sinh vùng cao nhiều gian khó, đến giờ 41 mùa xuân, thầy Trường vẫn chưa lập gia đình riêng.