BVR&MT – Những năm qua, việc trồng xen canh cây mắc ca với cây chè đã và đang mang lại nguồn thu nhập lớn mỗi năm cho người nông dân Tân Uyên. Qua đó, từng bước khẳng định sự phù hợp về khí hậu, thổ nhưỡng của cây mắc ca và hướng đi đúng đắn ở địa phương. Góp phần, nâng cao giá trị kinh tế, hệ số sử dụng đất, giảm nghèo trên địa bàn.
Chúng tôi về thăm mô hình trồng mắc ca xen chè của gia đình bà Nguyễn Thị Ánh – tổ dân phố 1, thị trấn Tân Uyên. Một trong những hộ tiên phong trồng xen canh 2 loại cây trồng này với nhau tại huyện Tân Uyên. Được biết, gia đình bà tận dụng diện tích 1,5ha chè trồng xen canh hơn 220 cây mắc ca từ năm 2012 với các loại giống như: Q, OC, A38 và một số loại khác. Sau hơn 10 năm vun trồng, chăm sóc, 200 cây mắc ca của bà đã cho thu hoạch với năng suất từ 40-80kg/cây. Riêng năm nay, gia đình bà thu được hơn 5 tấn quả tươi. Bình quân 2 năm nay, gia đình bà thu về được 250 triệu đồng tiền mắc ca và 100 triệu đồng tiền bán búp chè tươi.
Bà Ánh chia sẻ: trồng xen canh mắc ca như thế này rất có lợi, chi phí đầu tư giảm, giá trị kinh tế hằng năm trên 1 diện tích tăng gấp 3 lần so với việc trồng mỗi chè. Bởi vì trồng xen nên bón phân cho chè, cây mắc ca sẽ hấp thu được chất dinh dưỡng luôn. Chăm sóc không vất vả lắm, hằng năm thu hoạch xong tỉa bớt cành; trong quá trình cây sinh trưởng, phát triển theo dõi để phòng trừ sâu bệnh hại như: rệp trắng, sỉ mủ. Tới đây, vợ chồng tôi tiếp tục trồng thêm mắc ca xen vào 3.000m2 chè còn lại của gia đình, nhằm tăng thêm thu nhập cho những năm sau.
Cây mắc ca là cây thân gỗ, có thể trồng ở vườn tạp sau khi được cải tạo, khu vực đất dốc, đặc biệt là trồng xen canh với cây chè và các cây họ đậu ngắn ngày. Hạt mắc ca có nhiều chất dinh dưỡng, được ví như “hoàng hậu của các loại quả khô” với giá bán ngoài thị trường rất cao. Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên, cây mắc ca được người dân đưa vào trồng thử nghiệm từ năm 2012, 2013. Nhận thấy cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cùng với đó là giá trị kinh tế mang lại cho người dân, huyện Tân Uyên khuyến khích các hộ trên địa bàn nhân rộng mô hình trồng cây mắc ca, nhất là trồng xen với chè từ năm 2018. Ngoài ra, huyện, thu hút, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư trồng, liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Tân Uyên đã trồng được trên 2.633ha cây mắc ca, trong đó, diện tích trồng xen chè là 961,2ha, trồng thuần 1.672,2ha. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công ty TNHH Đầu tư phát triển rừng Tây Bắc trồng 20ha tại xã Nậm Cần, Công ty cổ phần Dương Gia Lai Châu trồng 70ha tại xã Nậm Sỏ, Công ty TNHH XNK thương mại và Đầu tư Phú Thịnh trồng 23ha xen chè tại các xã: Nậm Cần, Trung Đồng, Thân Thuộc.
Bà Hoàng Thị Luyến – Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: Để cây mắc ca trồng, nhất là xen canh với chè đạt được hiệu quả kinh tế, phòng chuyên môn chúng tôi đã cử cán bộ xuống hướng dẫn các hộ về quy cách trồng, chăm sóc, bón phân, tỉa cành. Đồng hành cùng bà con khi cây trồng bị sâu bệnh hại. Hiện tại, một số diện tích cây mắc ca trồng xen chè từ năm thứ 5 đã cho quả bói với năng suất đạt từ 5-10kg quả tươi/cây. Qua đó, giúp các hộ dân tăng thêm nguồn thu nhập.
Trung bình, quả tươi mắc ca có giá bán lẻ ra thị trường từ 40.000 – 80.000 đồng/kg, tuỳ theo thời điểm đầu hay giữa vụ. Như vậy, mỗi cây mắc ca giúp người nông dân thu về từ vài trăm nghìn đồng đến hàng triệu đồng/vụ/năm. Bên cạnh đó, người dân vẫn có thu nhập từ thu hái chè.
Có thể thấy mô hình trồng mắc ca xen chè thực sự mang lại lợi ích kép cho người nông dân Tân Uyên. Nhờ đó, nhiều hộ dân trên địa bàn đã thoát được nghèo và vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân trồng mắc ca xen chè và đôn đốc, hướng dẫn nhân dân chăm sóc diện tích mắc ca hiện có, nhất là diện tích trồng xen chè để tăng giá trị kinh tế và nâng cao hệ số sử dụng đất. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, thúc đẩy nền kinh tế của huyện phát triển theo đúng định hướng đề ra.