Lai Châu: Mù Cả vươn lên từ nghèo khó

BVR&MT – Mù Cả là xã khó khăn của huyện Mường Tè, từ điều kiện địa lý đến trình độ dân trí đều không thuận lợi; còn tồn tại nhiều hủ tục… Nhưng với giải pháp đúng đắn của cấp ủy, chính quyền xã và sự thay đổi nhận thức của Nhân dân đã từng bước cải thiện diện mạo nông thôn nơi đây.

Mù Cả hôm nay đang từng ngày khởi sắc, những ngôi nhà xây xen lẫn với những ngôi nhà truyền thống của người Hà Nhì, Mông; đồng ruộng, nương ngô trải dài trên sườn núi; từng đàn gia súc béo tốt thong thả ăn cỏ ở các bãi chăn thả. Vui hơn khi được nghe tiếng trống trường, tiếng các em học sinh đọc bài. Mù Cả đang vươn mình để thoát khỏi xã nghèo, nhất là thay đổi cách suy nghĩ của nhiều người về vùng đất này.

Để vùng biên khởi sắc không chỉ là nỗ lực của người dân mà còn là công lao rất lớn của cán bộ, đảng viên trong xã. Các anh chị sẵn sàng lặn lội hàng chục cây số để đến với bà con dân bản, có lúc còn băng rừng, lội suối với ước mong mang đến tri thức, cây trồng, con giống mới… Không chỉ hướng dẫn cách sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong lao động mà cán bộ còn tuyên truyền Nhân dân tuân thủ pháp luật, xóa bỏ hủ tục, tệ nạn, đấu tranh với tội phạm. Vận động bà con bảo vệ, phát triển rừng. Khuyến khích người dân tham gia các lớp dạy nghề, vay vốn đầu tư mở rộng mô hình kinh tế, đẩy mạnh kinh doanh thương mại-dịch vụ; liên kết với các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm của địa phương ra ngoài thị trường; tham gia học nghề… để cải thiện thu nhập.

Người dân bản Mù Cả (xã Mù Cả) thoát nghèo nhờ chăn nuôi.

Tin tưởng vào sự định hướng của chính quyền xã, 715 hộ dân thuộc 8 bản, 3 điểm dân cư của xã không còn ỷ lại vào các nguồn hỗ trợ mà tự mình vươn lên làm giàu trên quê hương. Từ những vùng đất hoang, khô cằn, có bàn tay người dân cải tạo đã trở thành đồng ruộng, nương ngô với cây giống có chất lượng. Đến mùa trĩu bông, năng suất ngô, thóc đạt từ 30-48 tạ/ha, rau màu đạt 62 tạ/ha, không chỉ đủ ăn mà còn dư thừa cho mùa vụ sau. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, quy hoạch bãi chăn thả, hình thành các mô hình chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Từ thả rông, giờ đây đàn vật nuôi được chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, trở thành nguồn hàng hóa thiết yếu trên thị trường. Hiện nay, xã có 1.164 con gia súc, gần 5.000 con gia cầm, tỉ lệ tăng đàn đạt 5%/năm.

Chị Lỳ Kim Bình (bản Xi Nế) chia sẻ: Có cán bộ xã định hướng, tôi mạnh dạn đầu tư vào phát triển kinh tế, từ chăn nuôi, trồng trọt đến kinh doanh hàng tạp hóa. Tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ các lớp dạy nghề, các hộ đi trước nên sản xuất không gặp khó khăn. Đến nay, thu nhập gia đình tôi đạt hơn 100 triệu đồng/năm, cuộc sống nâng lên.

Từ khoanh nuôi, bảo vệ rừng hiệu quả, bà con được hưởng lợi hơn 24 tỷ đồng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài ra, người dân trong xã còn phát triển cây công nghiệp, dược liệu với các loại: sa nhân, quế, thảo quả… mỗi lần thu hoạch, cho lãi từ 50 đến 100 nghìn đồng/kg. Chung tay xây dựng nông thôn mới, đến nay xã đã hoàn thành 15/19 tiêu chí. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 47,6%, thu nhập bình quân đạt 24,7 triệu đồng (giảm 19,4% tỷ lệ hộ nghèo, tăng 9,3 triệu đồng so với năm 2018).

Cuộc sống đi lên, hủ tục bị xóa bỏ, bản sắc truyền thống được khôi phục, người dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, giữ vững an ninh trật tự bản, an ninh biên giới.

Anh Pờ Khừ Xá – Chủ tịch UBND xã cho biết: Để nâng cao cuộc sống của người dân, UBND xã tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, quan tâm đến các hộ nghèo; phối hợp với các ban, ngành huyện, liên kết với các doanh nghiệp đóng trên địa bàn ưu tiên sử dụng nguồn lao động tại chỗ, giới thiệu sản phẩm nông sản ra ngoài thị trường. Tuyên dương, nhân rộng mô hình tiên tiến. Xã quyết tâm mỗi năm giảm từ 5-7% tỷ lệ hộ nghèo.

Rời Mù Cả, mảnh đất đang hồi sinh từng ngày, chúng tôi tin rằng với sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, xã Mù Cả sẽ thoát khỏi tình trạng xã nghèo trong thời gian không xa.