BVR&MT – Lượng rác thải ra hàng ngày lớn trong khi chưa tìm được giải pháp xử lý triệt để nên đến nay xử lý rác thải sinh hoạt vẫn là “bài toán” khó đối với xã vùng biên Vàng Ma Chải (huyện Phong Thổ).
Nhiều lần có dịp lên công tác tại xã Vàng Ma Chải, chúng tôi cảm nhận rõ mỗi ngày trôi qua diện mạo vùng nông thôn nơi đây có sự khởi sắc. Đời sống của người dân từng bước được cải thiện với nhiều tuyến đường được đầu tư sửa chữa, xây dựng; nhiều ngôi nhà mới xây “mọc lên”; hàng quán tăng cả về số lượng, quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi trăn trở đó là vấn đề rác thải sinh hoạt chưa được xử lý dứt điểm.
Ngay đầu bản Xì Choang, cách trung tâm xã chừng 400m, một bãi rác lớn hình thành bên cạnh đường tỉnh 132. Theo ước tính của chúng tôi chiều dài bãi rác khoảng 20m, chiều rộng 15m bao gồm rất nhiều loại rác thải như: túi bóng, chai lọ, bao tải, giấy… Bất kỳ người dân nào khi qua đường cũng có thể nhìn thấy bãi rác và ngửi được mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Không khó để chúng tôi tìm được những cái nhăn mặt, bàn tay đưa lên bịt mũi, miệng nhằm hạn chế ngửi mùi hôi thối của bãi rác.
Ông Lý Sần Dùng – Người dân bản Xì Choang bộc bạch: “Gia đình tôi sống ngay cạnh bãi rác, trời nắng hay trời mưa bãi rác đều bốc mùi khó chịu không biết phải sống thế nào nên chỉ còn cách đóng cửa suốt ngày để hạn chế mùi. Tôi mong muốn bãi rác sớm được xử lý để bảo vệ môi trường và cuộc sống của gia đình tôi được bình thường như nhiều gia đình khác”.
Mang theo nỗi trăn trở của người dân chúng tôi đến gặp lãnh đạo xã Vàng Ma Chải để tìm hiểu thì được biết, đây là bãi rác tự phát do người dân sinh sống quanh khu vực cũng như các thương lái kinh doanh tại chợ Xì Choang tự ý mang ra đổ.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết là lượng rác thải ra hàng ngày nhiều trong khi xã quy hoạch bãi đổ rác là khu đất nương xa dân cư thuộc bản Xì Choang (cách trung tâm xã 1km). Khu đất này chưa có đường vào và đất vẫn có 3 hộ dân canh tác, xã chưa có kinh phí hỗ trợ để người dân chuyển ra chỗ khác canh tác. Do dó, người dân tự ý mang rác ra khu vực gần đường tỉnh 132 để đổ.
Đồng chí Chẻo Lao U – Phó Chủ tịch UBND xã Vàng Ma Chải cho biết: “Xã gặp khó khăn về xử lý rác thải nhiều nhất là từ năm 2018 trở lại đây khi số lượng người dân ngày một tăng. Trong xã có chợ phiên Xì Choang họp vào thứ 6 hàng tuần – là nơi kinh doanh, buôn bán của bà con địa phương và nhiều thương lái ở các xã lân cận như: Sì Lở Lầu, Mồ Sì San, Pa Vây Sử, Dào San… Đây là yếu tố thúc đẩy kinh tế phát triển, giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nhưng cũng là nguyên nhân khiến lượng rác thải ra ngày một nhiều”.
Chị Tẩn Lở Mẩy – Người dân bản Xì Choang thẳng thắn thừa nhận: “Gia đình tôi sinh sống và kinh doanh tại chợ Xì Choang 4 năm nay, biết việc đổ rác ra gần đường tỉnh 132 sẽ gây ô nhiễm môi trường song vì không có chỗ đổ rác nên tôi vẫn phải ra đó để đổ”.
Để giải quyết vấn đề, cán bộ xã đã tuyên truyền, vận động Nhân dân khi đi chợ sử dụng làn, lu cở để xách đồ, hạn chế việc sử dụng túi nilon. Trước khi đi đổ rác phải phân loại cụ thể, có cách xử lý phù hợp, giảm tác động đến môi trường. Đồng thời, xã phát động các hoạt động tổng vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải nhân ngày môi trường thế giới, các dịp lễ, tết. Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên là lực lượng nòng cốt huy động đoàn viên, hội viên thường xuyên vệ sinh đường làng ngõ bản, bãi rác. Trước và sau mỗi phiên chợ, xã đều cử lực lượng ra thu gom, xử lý.
Rác thải không được xử lý dứt điểm sẽ gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan nông thôn mà còn tăng nguy cơ dịch bệnh. Chính vì vậy thời gian tới, xã Vàng Ma Chải sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Về lâu dài, xã mong muốn cấp trên quan tâm bố trí kinh phí để xã xây dựng lò đốt rác và trong giai đoạn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025-2030 có kinh phí để chi trả cho người dân có nương chuyển ra khu vực khác canh tác để bãi rác đã quy hoạch đi vào hoạt động.
Hy vọng với nỗ lực của cấp ủy chính quyền địa phương và sự quan tâm của cấp trên, Vàng Ma Chải sớm giải quyết được bài toán rác thải, trả lại sự trong lành cho môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân.