BVR&MT – Trung Chải là một trong ba xã biên giới của huyện Nậm Nhùn. Những năm qua, nhờ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước mà đời sống của người dân được nâng lên; song việc giảm nghèo vẫn chưa thực sự bền vững. Thực hiện Đề án trồng, phát triển cây quế trên địa bàn huyện, xã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi một số diện tích đất nương kém hiệu quả để trồng quế với hy vọng đây là hướng đi giảm nghèo bền vững cho người dân.
Xã Trung Chải được chia tách, thành lập từ năm 2012. Toàn xã có 6 bản, 318 hộ với trên 1.600 nhân khẩu. Việc phát triển kinh tế của người dân trong xã chủ yếu dựa vào trồng ngô, lúa và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ cho thu nhập thấp. Để người dân xóa được đói, giảm được nghèo, việc tìm ra loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và đem lại giá trị kinh tế cao luôn là niềm trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Theo đánh giá từ Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện, xã Trung Chải là một trong những địa phương có điều kiện về thổ nhưỡng cũng như khí hậu phù hợp phát triển cây quế. Cùng với đó, Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh được ban hành với nhiều chính sách hỗ trợ đối với người dân trồng quế.
Năm 2021, mục tiêu của xã triển khai trồng 6ha quế nhưng đến nay xã đã trồng được 8,19ha, nhiều hộ dân tích cực chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng quế. Sau khi có những đánh giá hiệu quả trồng năm đầu tiên, xã sẽ tiếp tục nhân rộng hơn nữa trong những năm tiếp theo. Kinh phí triển khai trồng quế từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và vốn đối ứng của các hộ tham gia. Để có được kết quả trên, Đảng ủy, chính quyền xã và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân về giá trị kinh tế của cây quế. Phổ biến tới người dân về chủ trương, chính sách của tỉnh liên quan đến trồng cây quế trên địa bàn. Tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế và sử dụng các loại phân bón phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của cây theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển.
Ông Lò A Tư – Chủ tịch UBND xã Trung Chải cho biết: Trước khi triển khai trồng, một số hộ dân được đi tham quan các mô hình trồng quế tại các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ và Lào Cai. Nhận thấy cây quế đem lại giá trị kinh tế cao, dễ thu hoạch nên nhiều hộ đã đăng ký tham gia trồng. Mức hỗ trợ đối với các hộ gia đình 20 triệu đồng/ha; hỗ trợ 100% cây giống cùng nhiều chính sách hỗ trợ khác… chính là lý do xã vượt chỉ tiêu trồng quế của năm.
Cùng với đó, cây quế còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn. Toàn bộ thân, vỏ, cành, rễ và lá có thể chưng cất tinh dầu, đem lại giá trị kinh tế cho người dân. Sau 4-6 năm trồng có thể thực hiện việc tỉa cành, thu hoạch cành và lá để chưng cất tinh dầu; sau 10 năm có thể khai thác bóc vỏ. Về đầu ra, thị trường tiêu thụ các sản phẩm của cây quế rất rộng như: Ấn Độ, Mỹ, Hàn Quốc… với mức giá từ 46-50 nghìn đồng/kg, 1ha quế đem lại thu nhập cả tỷ đồng cho người dân. Việc chăm sóc cho cây quế cũng khá đơn giản, người dân được cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Ban Quản lý Dự án rừng phòng hộ huyện hướng dẫn, cầm tay chỉ việc ngay trên nương. Vấn đề quan trọng nhất là trồng, chăm sóc cho cây quế đúng thời điểm sinh trưởng sẽ đảm bảo năng suất sau này. Việc thường xuyên theo dõi, phòng trừ các loại sâu bệnh, không để gia súc phá hoại cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng khi thu hoạch.
Ông Lò A Chiến (ở bản Nậm Sỏ 2, xã Trung Chải) cho biết: Được cán bộ vận động gia đình tôi đã trồng 1,5ha quế từ diện tích nương ngô đã bỏ hoang một năm nay. Được đưa đi tham quan, học tập nên tôi rất tin tưởng cây quế sẽ đem lại thu nhập cao hơn cho gia đình trong những năm tới. Hàng ngày, gia đình tôi đều bố trí nhân công chăm sóc, bảo vệ. Mong rằng loại cây mới này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình tôi thoát được nghèo.
Giá trị cây quế đã được khẳng định song với xã Trung Chải nói riêng cũng như huyện Nậm Nhùn nói chung, việc triển khai trồng quế cần dựa trên cơ sở những tính toán phù hợp với điều kiện địa phương, kỹ lưỡng, thận trọng và có sự đảm bảo của doanh nghiệp thu mua, thị trường tiêu thụ. Hy vọng rằng, cây quế sẽ dần trở thành cây trồng chủ lực trong những năm tới, góp phần giúp người dân xã biên giới Trung Chải từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo vững chắc.