Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Lâm nghiệp Việt Nam

BVR&MT – Ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” đăng trên Báo Nhân Dân, kêu gọi trồng cây, trồng rừng và phát động “Tết trồng cây” đầu tiên từ Tết Nguyên đán Canh Tý 1960. Từ đó đến nay, hàng năm, các cấp, các ngành và nhân dân cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng để “làm cho đất nước càng ngày càng xuân” như mong ước của Bác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tự tay xúc đất trồng một cây đa nhỏ tại công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là công viên Thống Nhất), sáng 11/1/1960, mở đầu phong trào Tết trồng cây đầu tiên do Người phát động.

“Tết trồng cây” đã trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Trải qua chặng đường 60 năm hình thành và phát triển, Lâm nghiệp Việt Nam đã có những điểm nhấn, mốc son đáng nhớ: từ một ngành lấy khai thác gỗ làm mục tiêu chính, đến nay, Lâm nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng cây đa lưu niệm trên đồi cây của xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là TP. Hà Nội) sáng ngày 16/2/1969 (mùng 1 Tết) mở đầu Tết trồng cây Xuân Kỷ Dậu 1969. (Ảnh tư liệu)

Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ về “Tết trồng cây” và công tác lâm nghiệp, cũng như để cổ vũ, động viên cán bộ, công nhân, viên chức hoạt động trong ngành lâm nghiệp cả nước, ngày 28/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 380/TTg, lấy ngày 28/11 hằng năm là ngày Lâm nghiệp Việt Nam.

Sau đây là một số hình ảnh Bảo vệ Rừng và Môi trường tổng hợp liên quan đến quá trình hình thành và phát triển của ngành Lâm nghiệp Việt Nam:

Ngày 01/12/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký xác lệnh số 69 xác nhập đưa cơ quan Lâm chính trong toàn cõi Việt Nam đặt trực thuộc Bộ Canh nông. (Trong ảnh: Bác Hồ dùng thử máy cấy cải tiến mới)
Mới 26 tuổi, Cù Huy Cận được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Bộ trưởng Bộ Canh nông đầu tiên. Ông đã cùng nhiều đồng sự của mình kiến thiết và xây dựng Bộ trong những ngày đầu tiên đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”.
Tại phiên họp các ngày 1, 2 và 4 tháng 02 năm 1955 của Hội đồng Chính phủ đã ra Nghị quyết đổi tên Bộ Canh nông thành Bộ Nông lâm, chịu trách nhiệm quản lý thêm lĩnh vực lâm nghiệp. (Trong ảnh: Khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa I tại Nhà hát lớn Hà Nội)
Đầu năm 1956, Chính phủ đã Quyết định thành lập Sở quốc doanh Lâm khẩu đặt trực thuộc Bộ Nông lâm. Ngày 20/11/1958, Bộ Nông lâm đã ban hành Nghị định số 535/NĐ thành lập Cục Lâm nghiệp trực thuộc Bộ Nông lâm trên cơ sở hợp nhất Sở Quốc doanh lâm khẩu và Vụ Lâm nghiệp.
Ngày 28/11/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ra pháp lệnh trồng rừng trong cả nước (đến năm 1995 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 380/TTG lấy ngày 28 tháng 11 hàng năm làm ngày truyền thống cho ngành Lâm nghiệp Việt Nam).
Ngày 28/4/1960, Tổng cục Lâm nghiệp được thành lập, là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Nghị định 140/CP xác định: “Tổng cục Lâm nghiệp được thành lập, là cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm quản lý công tác lâm nghiệp theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ và kế hoạch quản lý rừng và đất rừng, phát triển sản xuất lâm nghiệp, xây dựng kỹ thuật lâm nghiệp, nhằm xây dựng lâm nghiệp xã hội chủ nghĩa, phát huy mọi mặt lợi ích và tác dụng của rừng để phục vụ sản xuất, dân sinh, quốc phòng”. (Trong ảnh: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II, tháng 7/1960)
Ngày 21/5/1973, Lực lượng Kiểm lâm Việt Nam được thành lập trên cơ sở lực lượng tuần tra bảo vệ rừng trực thuộc Bộ Lâm nghiệp (nay là Tổng cục Lâm nghiệp). Kiểm lâm là cơ quan hành chính nhà nước, là lực lượng chuyên trách và thừa hành pháp luật trong quản lý và bảo vệ rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng.
Năm 1976, Quốc hội Việt Nam thống nhất trong cơ cấu của Hội đồng Chính phủ có Bộ Lâm nghiệp trên cơ sở của Tổng cục Lâm nghiệp. Sau khi thành lập Bộ Lâm nghiệp, toàn bộ cơ cấu tổ chức thuộc Tổng cục Lâm nghiệp ở miền Bắc, Ban Lâm nghiệp Trung Trung Bộ, Tổng cục Lâm nghiệp ở miền Nam đều đặt dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Lâm nghiệp.
Từ ngày 03/10 – 28/10/1995, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa IX thông qua Nghị quyết về việc thành lập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông trên cơ sở hợp nhất 3 Bộ: Bộ Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm và Bộ Thủy lợi. (Trong ảnh: Trụ sở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông tại số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội)
Năm 2010, Tổng cục Lâm nghiệp được thành lập theo Quyết định 04/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ (trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Tổng cục Lâm nghiệp là cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về lâm nghiệp trong phạm vi cả nước; quản lý, chỉ đạo các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Tổng cục.
Cơ cấu tổ chức về thực hiện chức năng quản lý Nhà nước bao gồm 9 tổ chức: Vụ Kế hoạch – Tài chính; Vụ Khoa học, Công nghệ và Hợp tác quốc tế; Vụ Phát triển rừng; Vụ sử dụng rừng; Vụ Bảo tồn thiên nhiên; Cục Kiểm lâm; Văn phòng Tổng cục (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); Thanh tra Tổng cục (nay đổi là Vụ Pháp chế, Thanh tra); Cơ quan quản lý CITES Việt Nam.
Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục gồm: Viện Điều tra, Quy hoạch rừng; Vườn quốc gia Tam Đảo; Vườn quốc gia Ba Vì; Vườn quốc gia Cúc Phương; Vườn quốc gia Bạch Mã; Vườn quốc gia Cát Tiên; Vườn quốc gia YokDon. (Trong ảnh: Một góc VQG Tam Đảo, Vĩnh Phúc)

Hậu Thạch (tổng hợp)

https://baovemoitruong.org.vn/