BVR&MT – Diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã bế mạc với những tiền lệ chưa từng có.
Sau 9 ngày làm việc khẩn trương, chiều 28/7, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã bế mạc.
Chưa kỳ họp nào phải rút ngắn một nửa thời lượng
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, đã tham gia 3 khóa Quốc hội, nhưng bà chưa thấy một kỳ họp nào phải rút ngắn tới một nửa thời lượng, đại biểu làm việc cả thứ bẩy, chủ nhật. Với tinh thần khẩn trương, khoa học và trách nhiệm, nên dù giảm thời lượng nhưng chất lượng của kỳ họp không hề thay đổi.
Diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, nhưng nữ đại biểu Quốc hội của Thái Nguyên, khẳng định kỳ họp đã thành công khi các đại biểu Quốc hội làm việc hết sức trách nhiệm, tài liệu chuẩn bị cho kỳ họp rất đầy đủ, chất lượng cao; ý kiến tham gia của các đại biểu mang nhiều tính phản biện, chia sẻ đồng hành cùng Chính phủ.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt của kỳ họp này và cũng là nội dung chưa từng có tiền lệ đó là việc Quốc hội đồng ý trao quyền cho Thường vụ Quốc hội, căn cứ vào từng nhiệm vụ cụ thể sẽ cho phép Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ linh hoạt, giải quyết nhanh những vấn đề có thể chưa có quy định của luật, nhưng cần thiết để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của người dân.
Đánh giá cao “cơ chế linh hoạt” này, đại biểu đoàn Thái Nguyên coi đây là một sự trao quyền lực của người dân để có thể quyết đáp nhanh những vấn đề, rút ngắn thủ tục hành chính với mục tiêu tối thượng đảm bảo sức khỏe của người dân là trên hết.
Có những báo cáo được hoàn thành vào lúc nửa đêm để kịp phục vụ Quốc hội
Lần đầu tiên tham gia Quốc hội, đại biểu Hoàng Minh Hiếu, đoàn Nghệ An, cũng cảm nhận đây là kỳ họp rất đặc biệt và sẽ để lại nhiều cảm xúc cho những đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội. Theo đại biểu đoàn Nghệ An, kỳ họp đã cho thấy quyết tâm rất lớn của Quốc hội trong việc hoàn thành nhiều nội dung của kỳ họp, khi Quốc hội diễn ra trong bối cảnh diễn biến rất phức tạp.
Điểm đặc biệt ở kỳ họp này là chỉ 2 ngày sau khi có đề xuất, các cơ quan của Quốc hội đã hoàn thành dự thảo nghị quyết chung của kỳ họp để trình ra Quốc hội.
“Đây là thời gian tôi đánh giá là kỷ lục so với nội dung này. Để làm được điều “đặc biệt” đó, các cơ quan của Quốc hội đã làm việc xuyên ngày đêm, có những lúc báo cáo thẩm tra được hoàn thành vào lúc nửa đêm để kịp phục vụ trong Quốc hội”, vị Ủy viên Ban Thư ký Quốc hội, Vụ trưởng Vụ Thông tin – Văn phòng Quốc hội chia sẻ.
Một ấn tượng nữa của đại biểu Hoàng Minh Hiếu trong lần đầu tham gia Quốc hội, đó là sự hội nhập rất nhanh của các đại biểu Quốc hội. Có những đại biểu lần đầu vào Nghị trường, nhưng đã có những phát biểu tích cực, trách nhiệm, chất lượng đối với những nội dung của kỳ họp. Đặc biệt, đại biểu đoàn Nghệ An cũng rất ấn tượng với các nữ đại biểu Quốc hội trong kỳ này, mặc dù tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội chỉ khoảng 30%, nhưng số lượt đại biểu nữ tham gia phát biểu trong kỳ này, chiếm gần 50% tổng số đại biểu phát biểu.
Cởi nút thắt, tháo gỡ ràng buộc bởi các quy định cứng của Luật và Hiến pháp
Nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty luật Intercode, đối với kỳ họp Quốc hội lần này, là việc Quốc hội trao quyền cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong những trường hợp cụ thể, cần thiết để đảm bảo yếu tố nhanh nhạy, linh hoạt quyết liệt và kịp thời trong công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
Ông Nguyễn Phú Thắng đánh giá cao nội dung này, bởi dưới góc nhìn của người làm công tác liên quan đến luật pháp, “điều này được ví như cởi những nút thắt, tháo gỡ những ràng buộc bởi các quy định cứng của Luật và Hiến pháp”.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng, là cơ quan chủ lực chỉ đạo cao nhất về công tác phòng chống dịch bệnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất, cơ quan chấp hành của Quốc hội cần phải được trao thêm thẩm quyền so với Hiến pháp và Luật tổ chức chính phủ. Có nghĩa là Chính phủ, Thủ tướng chính phủ được thực hiện một số công việc khác với Luật và chưa được quy định trong Luật sau khi Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc Hội trao quyền thông qua nội dung Nghị Quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất.
Nhiều ý kiến chưa đúng tầm
Cũng quan tâm theo dõi các phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội trong kỳ họp, ông Lê Nghiêm, bày tỏ tâm đắc với phần báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đối với báo cáo của Chính phủ, nêu rất rõ những nội dung mang tính chất giám sát, phản biện. Tuy nhiên, ông không khỏi băn khoăn khi theo dõi phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội.
“Tôi thấy có đại biểu không đi theo mạch giám sát phản biện mà ông Thanh đã nêu khái quát trong báo cáo đó để thảo luận sâu hơn, đề xuất giải pháp chính sách cụ thể, mà có những phát biểu chưa đúng tầm”, ông Nghiêm nhận xét.
Cử tri này cho rằng, với vai trò lập pháp và giám sát tối cao, người dân cần nhất ở Quốc hội có những ý kiến phản biện, giám sát, đề xuất những giải pháp về chính sách.
“Tôi thấy có một đại biểu làm được việc đó, khi đưa ra ý kiến phải xem lại những gì đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân để tháo gỡ. Ít ra phải đề xuất như thế, hay phải khẩn trương cải cách thể chế kinh tế, để tháo gỡ những rào cản cản trở hoạt động kinh tế. Tôi thấy rất hiếm những ý kiến như thế, các đại biểu gần như không nhắc đến những gì đang gây cản trở cho phát triển của doanh nghiệp nhà nước, lẫn doanh nghiệp tư nhân hiện nay”, ông Lê Nghiêm chia sẻ.
Theo cử tri, có thể thấy rằng hoạt động kinh tế của đất nước hiện nay đang vô cùng khó khăn, tại sao đại biểu không đặt vấn đề Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, đây là chính sách rất cụ thể, nhưng các bộ, ngành gần như không thấy có sáng kiến gì để giúp dân, giúp doanh nghiệp trong lúc này. Người dân muốn Quốc hội là phải đưa ra các giải pháp biện pháp cụ thể về chính sách.