BVR&MT – Ða dạng sinh học (ÐDSH) có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, công tác bảo tồn ÐDSH ở nước ta đang đối mặt với nhiều mối đe dọa, từ khai thác tài nguyên rừng thiếu kiểm soát, khai thác sử dụng nguồn đất…
Bảo tồn ĐDSH Việt Nam
Nhận thức được sự cần thiết phải bảo tồn ÐDSH, đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, từ những năm 1960, Ðảng và Nhà nước đã có những chính sách bảo vệ các khu rừng nguyên sinh (rừng cấm). Quyết tâm và cam kết bảo tồn ÐDSH của Nhà nước được chú trọng hơn sau khi Việt Nam trở thành thành viên của các công ước CBD (năm 1992) và CITES (năm 1994), với một hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn (VQG và KBT) đã được quy hoạch và thành lập trên toàn quốc.
Để tìm hiểu về công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam, phóng viên tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường đã đi tìm hiểu về vấn đề này.
Đầu tiên cần hiểu đúng tầm quan trọng của ĐDSH đối sự phát triển kinh tế – xã hội. ĐDSH là sự phong phú các sinh vật và các phức hợp sinh thái mà sinh vật đó là một thành phần, bao gồm sự đa dạng trong nội bộ các loài (đa dạng gen), đa dạng các loài, và các hệ sinh thái. ĐDSH là nền tảng của nông nghiệp, là nguồn gốc và sự phong phú của mọi giống cây trồng và vật nuôi.
Khi nghiên cứu về ĐDSH, bao gồm tất cả các thành phần của ĐDSH – ở cấp gen, cấp loài và cấp hệ sinh thái – liên quan đến thực phẩm và nông nghiệp và các hệ sinh thái nông nghiệp. Ngoài ra, bao gồm các loài cây trồng, vật nuôi, cây dược liêu của nhiều loài từ đó hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế sản xuất nông nghiệp.
Phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường đã đến với Trạm đa dạng sinh học Mê Linh tìm hiểu về phần nào về việc bảo tồn ĐDSH.
Trao đổi với phóng viên, Trạm đa dạng sinh học Mê Linh cho biết, hiện tại trạm đang nuôi dưỡng trên 50 loại động vật; hơn 50 loài thực vật, trong đó có 46 loài hoa lan; hơn 40 loài cây dược liệu.
Thằn lằn cá sấu quý hiếm chỉ còn trên 100 cá thể
Loài thằn lằn quý hiếm mang hình thù cá sấu, các nhà khoa học cho rằng ở Việt Nam còn trên 100 con, sinh sống ở khu vực rừng Yên Tử thuộc hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh.
Khi phóng viên phỏng vấn nguyên nhân tại sao phải bảo tồn loài Thằn lằn cá sấu này. Theo nhân viên trạm cho biết, nguyên nhân là người dân săn bắt để ngâm rượu, ngoài ra do mất môi trường sinh cảnh sống vì đốt nương, khai thác than và cháy rừng.
Các nhà khoa học Việt Nam đang kêu gọi bảo tồn loài thằn lằn cá sấu, tên khoa học là Shinisaurus crocodilurus, khi số lượng ngày càng giảm, từ hàng chục nghìn xuống hơn 100 cá thể ngoài tự nhiên sau một thế kỷ.
Trạm đa dạng sinh học Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) đang chăm sóc, nhân giống loài này, hiện nay đang nuôi dưỡng trên 10 cá thể.
Trước đây thằn lằn cá sấu chỉ ghi nhận ở nam Trung Quốc và gần đây mới tìm thấy ở vùng đông bắc Việt Nam. Chiều dài thân khoảng 150-160 mm, đuôi dài 171-210 mm, đầu ngắn và hàm trên vát. Chúng có nhiều nốt sần nhô, chân có vuốt sắc nhọn, lưng màu nâu xám, đuôi dài với hàng gai dựng đứng.
Văn Trì