Kon Tum: Triển khai hiệu quả và đồng bộ hệ thống các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh

BVR&MT – Nhờ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương. Trong những năm qua, nhìn chung các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng cơ bản, đảm bảo cung cấp đầy đủ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 594 công trình thủy lợi tập trung đang được đưa vào khai thác sử dụng gồm 85 hồ chứa, 08 trạm bơm điện và 501 đập dâng. Trong đó, 177 công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, 01 công trình do Ban quản lý Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý và 424 công trình do UBND các huyện, thành phố quản lý.

Chi cục Thủy lợi thực hiện sát sao việc kiểm tra các công trình nhằm đảm bảo đầy đủ nước tưới tiêu, sinh hoạt cho người dân.

Trong số các công trình thủy lợi hiện có, nhiều công trình có quy mô lớn, giữ vai trò chủ lực trong dự trữ, cung cấp nguồn nước cho những vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, lúa hoa màu các loại như: Hồ Đắk Uy, Kon Trang Kla ( huyện Đắk Hà), Đắk Hniêng, Đắk Hna (Ngọc Hồi), Ea Bang Thượng, Đắk Yên ( TP. Kon Tum), Đắk Rngát (Đắk Tô). Cùng với đó là hàng ngàn kilomet kênh mương được đầu tư bài bản, hệ thống tiểu thủy nông đảm bảo việc dẫn nước đến các khu sản xuất, phục vụ nhu cầu tưới cho cây trồng của người dân.

Theo đánh giá của Chi cục Thủy lợi tỉnh Kon Tum, với sự đầu tư bài bản, đồng bộ, hệ thống công trình trên địa bàn tỉnh ngày càng phát huy hiệu quả. Diện tích đất cây trồng được tưới từ các công trình thủy lợi ngày càng được mở rộng. Năm 2023, các công trình thủy lợi bảo đảm nước tưới cho 22.369,02 ha cây trồng, công trình tiểu thủy nông, lòng hồ thủy điện cùng các công trình đã  đảm bảo nước tưới cho 24.773,24 ha, tăng khoảng 2.000 ha so với năm 2020, chiếm  77,2% so diện tích cây trồng cần tưới của tỉnh.

Hồ chứa Đăk Yên, thành phố Kon Tum.

Hướng tới mục tiêu phát triển, hoàn thiện hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu trong đó không chỉ đảm bảo cho sản xuất, phát triển kinh tế mà còn phát huy vai trò trong phòng chống thiên tai. Trong giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Kon Tum thực hiện đầu tư xây dựng mới 165 công trình thủy lợi với tổng diện tích tưới thiết kế là 6.463,5 ha. Cụ thể, diện tích tưới cho lúa 2 vụ là 3.635,5 ha, cây công nghiệp là 2.500ha, cây trồng khác là 328 ha và cấp nước sinh hoạt cho 19.700 nhân khẩu.

Với nhiệm vụ đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ năm nay, tỉnh Kon Tum tiếp tục phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sửa chữa đối với 3 công trình thủy lợi, gồm: Dự án sữa chữa đập Đắk Tua, Đắk Leng tại xã Hiếu và thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plong); Dự án sữa chữa Đăk Ka Well tại xã Đăk Blà (thành phố Kon Tum) và Dự án sữa chữa đập Đăk Grấp tại xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi). Tổng mức đầu tư, sữa chữa 3 đập thủy lợi là 3 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai 10 tháng năm 2022.

Được biết, trước đó tháng 3/2023, UBND tỉnh Kon Tum đã quyết định phân bổ nguồn kinh phí 30 tỷ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai để nâng cấp, sửa chữa một số công trình thủy lợi, phát triển hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu được nhấn mạnh trong Quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi nhiệm kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình Chính phủ.  Trong đó, xác định rõ các quan điểm, mục tiêu cụ thể để củng cố, phát triển hạ tầng thủy lợi, nhấn mạnh quan điểm đầu tư phát triển thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết cho lúa, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo nguồn nước cho sinh hoạt công nghiệp, dịch vụ, các ngành kinh tế.

Lê Hồng

Tags: ,
CHIA SẺ