BVR&MT – Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc Tây Nguyên với 43 dân tộc anh em sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 54 % dân số toàn tỉnh. Địa bàn sinh sống của các dân tộc chủ yếu là các vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế, vì vậy đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước thực trạng trên, các cấp, chính quyền tỉnh Kon Tum đã tập trung mọi nguồn lực và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án để đưa người dân vươn lên phát triển, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi.
Trong những năm qua thực hiện chính sách dân tộc cũng như công tác giảm nghèo, được các cấp các ngành tổ chức và tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đã đạt được nhiều kết quả nhất định; việc thực hiện các chương trình chính sách, dự án giảm nghèo đã tạo điều kiện cơ hội cho người dân khu vực nông thôn được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa đã có bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần. Cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, trường lớp học đã phát huy tốt hiệu quả đầu tư. Tập trung và đẩy mạnh phát triển sản xuất, nguồn nước sinh hoạt , góp phần ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Đồng thời các cấp, các ngành, địa phương chú trọng đến việc tuyên truyền sâu rộng nội dung giảm nghèo, an sinh xã hội đến Đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân. Theo đó, các cấp ủy, cán bộ đã tiếp nhận thông tin, nhận thức sâu sắc về chủ trương và tầm quan trọng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, tạo sự thống nhất trong hành động và sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, chính sách dân tộc.
Tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo triển khai, thực hiện các chương trình truyền thông của đề án giảm nghèo, trong đó tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình trên các phương tiện thông tin, truyền thông về định hướng giảm nghèo như (tổ chức sản xuất các sản phẩm truyền thông, thực hiện các chương trình, các đợt truyền thông), việc đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và tuyên truyền, giáo dục, ý chí tự lực vươn lên thoát nghèo với hình thức đa dạng phong phú.
Theo thống kê đã có 21 phóng sự tuyên truyền về công tác giảm nghèo phát sóng trên Đài PTTH tỉnh Kon Tum, mặt khác xây dựng 37 cụm panô, 118 băng rôn, với 1.385 tờ áp phích, 22 bộ phương tiện tác nghiệp phục vụ thông tin cổ động tại huyện xã, 19.900 tờ gấp, 4.303 tờ rơi và 2.810 cuốn sổ tay giảm nghèo. Triển khai tổ chức 123 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp,tổ chức 01 hội thảo cho cộng tác viên làm công tác giảm nghèo cấp xã. Bên cạnh đó thực hiện nhiều cuộc đối thoại và truyền thông về các chính sách giảm nghèo đến nhân dân trên địa bàn tỉnh, với hơn 995 lượt người tham gia tại địa bàn 12 xã thuộc 06 huyện, thành phố, đã có 14 gương điển hình thoát nghèo và 03 mô hình giảm nghèo điển hình, được biên tập thành cuốn tài liệu về những gương điển hình và mô hình giảm nghèo tiêu biểu giai đoạn 2016 -2020. Qua đó giúp người dân tiếp cận các thông tin, chính sách về giảm nghèo và kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở về công tác giảm nghèo.
Thời gian qua UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 05 Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 và 06 chính sách hỗ trợ giảm nghèo, góp phần tạo điều kiện cũng như cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện, nâng cao chất lượng sống và giảm nghèo bền vững. Mặt khác, đã hoàn thành đầu tư cấp điện cho 20 thôn, làng chưa có điện trên địa bàn một số huyện như Ia H’Drai, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề là 14.4659 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo chung đến năm 2020 đạt 52 %. Ban chỉ đạo 04 Tỉnh ủy Kon Tum và các cơ quan, đơn vị của tỉnh, huyện đã thống nhất với xã , thôn , lựa chọn các mô hình giúp hộ nghèo phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn xây dựng các mô hình mới như: thâm canh một số loại cây dưới tán rừng, xen canh với cây cà phê, nuôi gà lai. Đồng thời tiếp tục chăm sóc, trồng mới các loại cây hàng hóa có giá trị như cà phê, các loại cây dược liệu, phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm.Một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã đóng góp nhiều ngày công lao động, tu sửa các công trình đường giao thông nông thôn,đường vào các khu sản xuất, nâng cấp nhà ở.
Giai đoạn 2016 -2020, tỉnh Kon Tum đã bố trí hơn 10.000 tỷ đồng cho các đơn vị, địa phương để thực hiện đầu tư các dự án trong vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng đã huy động được 306,86 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân hỗ trợ thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, các huyện nghèo, xã nghèo.
Theo ghi nhận, đến tháng 6 năm 2021, toàn tỉnh có 29 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG )xây dựng Nông thôn mới( NTM). Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm giảm 4,03 % /năm ( hộ nghèo giảm từ 23,03 % năm 2016 xuống còn 10, 29 % năm 2020). Đối với cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS được quan tâm, thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM từ nguồn ngân sách nhà nước đã bê tông hóa trên 1.000 km đường giao thông nông thôn, bảo đảm 100% xã có điện lưới quốc gia, hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, trường học…được xây mới, nâng cấp, sữa chữa. Hỗ trợ xây dựng 1.405 căn nhà, sửa chữa 503 căn nhà cho các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách.Công tác y tế, dân số từng bước được nâng cao. Đến nay toàn tỉnh có 100% người nghèo được cấp thẻ BHYT, với 85/85 xã đã có trạm y tế và bác sỹ làm việc thường xuyên. Các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được bảo tồn và phát huy.
Với những kết quả đã đạt được trong thực hiện công tác giảm nghèo và chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn một số khó khăn nhất định như: Nguồn kinh phí thấp, người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tỷ lệ tái nghèo trong đồng bào DTTS còn cao, một số chính sách còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo và chính sách dân tộc, thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả 03 Chương trình: Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021 -2025. Tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng của việc thực hiện công tác giảm nghèo và chính sách dân tộc, phát huy vai trò của các chủ thể trực tiếp thực hiện tham gia, nhất là nhân dân và cộng đồng dân cư tại địa bàn thụ hưởng.
Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho người nghèo, đồng bào DTTS, hỗ trợ các điều kiện và đưa ra nhiều giải pháp, tạo sinh kế cho người dân để giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững. Không ngừng nâng cao đời sống và vật chất tinh thần của nhân nhân với tinh thần: “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc để giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách giữa các vùng, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Lê Hồng