BVR&MT – Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giai đoạn 2012-2017 đã đạt được kết quả tích cực, góp phần giữ vững độ che phủ rừng của tỉnh, đồng thời tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đem lại thu nhập đáng kể cho hàng ngàn lao động vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh.
Kon Tum là một tỉnh nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, có đường biên giới chung với hai nước Lào và Campuchia, nên có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng trong khu vực và cả nước.
Tỉnh Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên là 968.961 ha, diện tích có rừng là 603.047 ha, trong đó diện tích cung ứng DVMTR là 360.305 ha (chiếm 63,5% diện tích rừng không tính cây cao su, cây đặc sản); độ che phủ rừng đạt 62,2%, hầu hết diện tích rừng của tỉnh nằm trên lưu vực của các Nhà máy thủy điện như: Ya Ly, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4, Plei Krông…
Kết quả hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng
Ký kết hợp đồng chi trả DVMTR: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã trực tiếp ký 31 hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR, trong đó: 22 hợp đồng với các nhà máy thủy điện, 9 hợp đồng với các nhà máy sản xuất, kinh doanh nước sạch.
Kết quả thu và chi tiền chi trả DVMTR
Thu tiền DVMTR từ năm 2011 đến ngày 31/12/2017: 963,27 tỷ đồng (bao gồm: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều phối: 819,40 tỷ đồng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum thu (kể cả lãi chậm nộp và lãi tiền gửi ngân hàng): 143,87 tỷ đồng).
Chi tiền DVMTR từ năm 2011 đến năm 2017: 884,34 tỷ đồng (đạt 91,8 % số thu kể cả lãi), bao gồm: Sử dụng nguồn kinh phí quản lý: 76,42 tỷ đồng (chiếm 8,6%).
Chi tiền chi trả DVMTR cho các đơn vị cung ứng DVMTR: 739,29 tỷ đồng, trong đó: Chi trả tiền DVMTR chủ rừng là tổ chức nhà nước và các tổ chức không phải là chủ rừng nhưng được nhà nước giao trách nhiệm bảo vệ rừng là 631,78 tỷ đồng; chủ rừng là tổ chức khác là 22,88 tỷ đồng; chủ rừng là hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn là 84,63 tỷ đồng.
Chi cho các nội dung được Thủ tướng Chính phủ thống nhất tại văn bản 456/TTg-KTN ngày 06/4/2015 và hỗ trợ trồng cây phân tán là 68,63 tỷ đồng.
Kết quả công tác theo dõi, giám sát: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Sở NN&PTNT và UBND các huyện kiểm tra việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR của các chủ rừng là tổ chức Nhà nước, UBND các xã, thị trấn và hoạt động của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp xã. Thường xuyên theo dõi, rà soát công nợ tiền chi trả DVMTR. Đôn đốc, tổ chức các đợt làm việc để đối chiếu công nợ đối các đơn vị sử dụng DVMTR có lưu vực nội tỉnh. Đồng thời, đề nghị Sở Công Thương và Chi cục Kiểm lâm xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các đơn vị không chấp hành theo quy định.
Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của chính sách chi trả DVMTR; gắn chi trả DVMTR với công tác quản lý, bảo vệ rừng kết hợp tập huấn quản lý sử dụng tiền DVMTR, để người dân biết sử dụng tiền DVMTR một cách hiệu quả nhất…
Hiệu quả của chính sách chi trả DVMTR
Tác động đến công tác bảo vệ và phát triển rừng: Chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Đã tạo lập cơ sở kinh tế bền vững để đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Qua đó đơn vị chủ rừng đã chủ động về nguồn tài chính hàng năm để triển khai các hoạt động bảo vệ rừng hiệu quả, góp phần ổn định diện tích rừng hiện có cả về số lượng, chất lượng và phát triển rừng mới. Tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, cải thiện cuộc sống, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị và trật tự xã hội được ổn định. Đến nay, tiền chi trả DVMTR đã đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng của 360.305,89 ha (đạt khoảng 63,5% tổng diện tích rừng toàn tỉnh không tính cây cao su, cây đặc sản), trong đó: 20 đơn vị chủ rừng là tổ chức quản lý 288.430,37 ha; 74 UBND xã, thị trấn quản lý 27.211,22 ha ; 3.598 hộ gia đình, 21 cộng đồng dân cư thôn được nhà nước giao đất, giao rừng quản lý 44.664,30 ha diện tích rừng cung ứng DVMTR.
Cải thiện sinh kế cho người dân: Quỹ Bảo vệ và PTR đã chi trả tiền DVMTR cho các hộ gia đình, cộng đồng dân cư thôn từ năm 2011-2017 với tổng số tiền là 84,63 tỷ đồng; trung bình mỗi năm thu nhập từ nguồn chi trả DVMTR đạt bình quân mỗi hộ gia đình khoảng 4,3 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 32 triệu đồng/cộng đồng/năm. Các đơn vị chủ rừng đã thực hiện khoán quản lý bảo vệ rừng cho 1.462 hộ gia đình; 178 nhóm hộ; 289 cộng đồng dân cư thôn và 4 tổ chức với tổng diện tích là 140.230,4 ha và chi trả với tổng số tiền là 226, 36 tỷ đồng; trung bình mỗi năm thu nhập từ nguồn chi trả DVMTR đạt bình quân mỗi hộ gia đình nhận khoán khoảng 7,3 triệu đồng/hộ/năm; cộng đồng dân cư thôn khoảng 115 triệu đồng/cộng đồng/năm; nhóm hộ khoảng 39 triệu đồng/nhóm hộ/năm và tổ chức khoảng 308 triệu đồng/tổ chức/năm.
Qua đó đã nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng đồng thời tạo thêm công ăn việc làm, cải thiện thu nhập cho các hộ dân sống ven rừng. Chi trả DVMTR đã tạo cơ hội gắn kết các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn, bản với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp, các đơn vị sử dụng DVMTR, nâng cao năng lực quản lý, bảo vệ rừng và cải thiện đời sống cho cộng đồng…
Hồ Thanh Hoàng – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và PTR tỉnh Kon Tum