BVR&MT – Dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và làm chậm nỗ lực giảm thiểu rác nhựa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, vì thế cần gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm nhựa, cũng như quản lý rác nhựa.
Nằm trong chuỗi hoạt động hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) và Viện Nghiên cứu Nước Nauy (NIVA), mới đây, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI) tổ chức hội thảo trực tuyến “Rác nhựa và kinh tế tuần hoàn”.
Mục đích của hội thảo nhằm chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế trong nỗ lực xây dựng kinh tế tuần hoàn, một trong những công cụ quan trọng để giảm thiểu rác nhựa đại dương.
Ông Nguyễn Quế Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trưởng nhóm công tác ASEAN về Biển và Đới bờ cho biết, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách, khẳng định quyết tâm, nỗ lực của Việt Nam trong cuộc chiến giảm thiểu rác nhựa như: trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến nhựa như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội và làm chậm nỗ lực giảm thiểu rác nhựa ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
“Chúng ta cần xem xét vấn đề này trong các kế hoạch triển khai các hoạt động liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả, đặc biệt kinh tế tuần hoàn gồm cách thức để gia tăng chuỗi giá trị của các sản phẩm nhựa, cũng như quản lý rác nhựa”, ông Lâm khẳng định.
Quản lý nhựa theo chuỗi giá trị
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng chúng ta phải quản lý nhựa theo chuỗi giá trị của nhựa, bắt đầu từ khâu thiết kế sản xuất và kiểm soát nguyên liệu đầu vào, đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn sản xuất, thương mại và tiêu thụ, và thúc đẩy 3R+.
Một số vấn đề đặt ra cần quan tâm trong thời gian tới khi cụ thể hóa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và sửa đổi các văn bản pháp luật về thuế bảo vệ môi trường, như: Thúc đẩy nghiên cứu quy định sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa thân thiện môi trường và các vật liệu thay thế. Hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, vật liệu đóng gói.
Không cung cấp miễn phí các đồ dùng một lần trong khách sạn, nhà hàng, cửa hàng mua sắm thông qua các công cụ kinh tế. Cụ thể hóa việc các hộ gia đình ở thành thị phải mua các túi đựng rác đúng quy cách, tiến hành phân loại rác; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, đặc biệt là UBND cấp xã, thanh tra môi trường, cảnh sát môi trường trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất thải rắn thông thường…
Phát triển kinh tế tuần hoàn là một xu hướng của phát triển bền vững, giúp đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Đối với lộ trình kinh tế tuần hoàn trong ngành nhưa, cần xây dựng các mục tiêu, kết quả mong muốn và các bước chính hay các giai đoạn cần đạt được mục tiêu. Bên cạnh đó, việc thống nhất các đối tác tham gia trong chuỗi giá trị nhựa cùng phối hợp trong thiết kế, sử dụng và tái sử dụng nhựa.
Từ đó, chúng ta mới có thể cùng giảm rác nhựa vào môi trường và tạo kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa. Lộ trình cũng cần xác định các cơ hội thông qua chuỗi cung cấp làm sao có thể giảm rác nhựa và chất liệu tạo ra nhựa được tái sử dụng, tái chế. Ngoài ra, phát triển công nghệ mới, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ và ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ cở tiếp cận các mô hình kinh doanh kinh tế tuần hoàn.
Xây dựng lộ trình kinh tế tuần hoàn nhựa cho Việt Nam
Nhiều thông tin hữu ích về phát triển kinh tế tuần hoàn đã được chia sẻ tại Hội thảo. Các hành động cụ thể được các cơ quan quản lý, tổ chức phi chính phủ đã và đang thực hiện để ứng phó với ô nhiễm rác nhựa không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực.
Chương trình đối tác hành động quốc gia về rác nhựa (NPAP) phát động phong trào chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn trên toàn cầu. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) phối hợp với VASI xây dựng và triển khai dự án “Thúc đẩy hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa từ nguồn ra biển tại châu Á – Thái Bình Dương” được thực hiện tại các cấp khu vực, quốc gia và địa phương tại phường, xã.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) triển khai EPPIC tìm kiếm các sáng kiến trong cộng đồng các nước Đông Nam Á. Indonesia cũng đã xây dựng được một lộ trình kinh tế tuần hoàn khả thi từ 2020 đến 2024 theo các năm từ phân tích tiềm năng kinh tế, môi trường, xã hội của kinh tế tuần hoàn, xây dựng kế hoạch hành động, thực hiện thí điểm, thiết lập mạng lưới đối tác và thực hiện toàn diện.
Các đại biểu tham gia hội thảo cũng đề xuất lộ trình cho Việt Nam, trong đó có một số ưu tiên như: Một là, xác định danh mục bao bì nhựa không cần thiết và có nguy cơ cao cùng với việc xây dựng kế hoạch tiêu hủy các thành phần này. Hai là, thể chế hóa trách nhiệm nhà sản xuất trong ngành bao bì nhựa để đầu tư vào hạ tầng tái chế. Ba là, cải tiến, khuyến khích việc thay đổi sử dụng từ khó thực hiện đến tuần hoàn rác nhựa. Bốn là, tăng cung ứng số lượng và chất lượng phế thải nhựa có thể tái chế và một số vấn đề cần lưu tâm khác.
Mặc dù, thế giới đã thu được một số kết quả cụ thể, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa đại dương thông qua một loạt các hoạt động cụ thể như: điều tra khảo sát, áp dụng công nghệ, những mô hình thu gom giảm thiểu ô nhiễm, sản phẩm tái chế có tính ứng dụng cao,…
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu số 14.1 trong Chương trình Nghị sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc về ngăn ngừa và giảm thiểu các loại hình ô nhiễm rác thải nhựa đại dương và cam kết của Việt Nam về vấn đề này thể hiện trong Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch hành động quốc gia cho việc thực thi Chương trình Nghị sự phát triển bền vững đến năm 2030, chúng ta cần chung tay nỗ lực giải quyết vấn đề nhựa.
Việc giải quyết vấn đề này dựa trên các nguyên tắc: Mọi chính sách, hành động phải bao gồm từ đất liền ra biển. Xem xét cách thức tiếp cận theo vòng đời nhựa. Nghiên cứu thực hiện giải pháp “Mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất – EPR”. Đánh giá tác động sinh thái, xã hội, kinh tế và sức khỏe tiềm ẩn do nhựa gây ra…
Hội thảo “Rác nhựa và kinh tế tuần hoàn” một lần nữa khẳng định, chúng ta cần sát cánh bên nhau mới thành công trong công tác bảo vệ đại dương xanh, sạch và đẹp.