BVR&MT – Năm 2022 được xem là một năm đầy biến động, bất ngờ vượt ngoài dự đoán của cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may.
Xung đột Nga – Ukraine, giá dầu, lạm phát, lãi suất đều tăng cao… khiến nhu cầu chi tiêu các thị trường xuất khẩu giảm mạnh… Chưa có dự báo chính xác về kinh tế tăng trưởng trở lại và thị trường hồi phục xong ngành dệt may đã xây dựng các kịch bản cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
Bài học năm 2022
Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), dù đã dự báo từ sớm những khó khăn của năm 2022, nhưng các thành viên của Vinatex vẫn bị bất ngờ trước những tình huống khó lường. Những tháng cuối năm, thông tin báo lỗ từ nhiều đơn vị may mặc được báo về, thị trường xoay chiều, sản xuất sợi gần như không có thanh khoản, thị trường may đơn hàng giảm mạnh… Dẫu vậy, năm 2022 Vinatex ước đạt mức doanh thu hợp nhất 19.535 tỷ đồng, tăng 15% so với năm ngoái, đạt 108% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.090 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh thị trường có nhiều khó khăn.
“Bài học của 6 tháng đầu năm 2022 khá rõ ràng, thị trường ảm đạm tạo ra lượng tồn kho rất lớn và phải xử lý trong 6 tháng cuối năm. Hiện nay toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu đặt hàng căn cứ trên sức mua, giám sát theo sức mua, đòi hỏi thời gian giao hàng nhanh, lượng hàng nhỏ để toàn chuỗi không bị tăng tồn kho ngoài dự kiến”, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho hay.
Ngoài chuyển đổi sản xuất đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho biết, bài học từ năm 2022 đã khiến nhiều doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ hàng dệt kim sang hàng dệt thoi và đặc biệt đa dạng hóa thị trường.
Với sự nỗ lực toàn ngành, Vitas dự báo năm 2022 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 44,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Năm 2023, ngành dệt may đưa ra các kịch bản tăng trưởng; trong đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt từ 47 – 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 – 46 tỷ USD. Vì là một ngành khá nhạy với nhu cầu thế giới, việc các doanh nghiệp chủ động chuyển hướng với các thay đổi từ thị trường sẽ quyết định nhiều đến việc giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2023 trong bất kì kịch bản nào.
Trong điều kiện kịch bản thuận lợi, những bất ổn từ thị trường thế giới có thể được kiểm soát, ngành may mặc dự báo hết quý I năm 2023 mọi hoạt động sẽ phục hồi. Vì vậy, kịch bản 48 tỷ USD có thể thành hiện thực.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, trong kịch bản hai ít thuận lợi khi thị trường phục hồi vào nửa cuối năm 2023 – mức độ tăng trưởng của ngành sẽ khoảng 4,5% và cán mức ở mức 45 tỷ USD. Trong bối cảnh hiện nay, cả thế giới không đặt hàng dệt may dài hạn, vì vậy, các doanh nghiệp có thể chuyển hướng sản xuất sang những mặt hàng có giá trị thấp hơn. Đã có bài học rất lớn trong năm 2022 và các doanh nghiệp dệt may bắt đầu thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa mặt hàng, không chuyên môn hóa, nên hiện vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng.
Cũng theo chia sẻ của ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, xuất khẩu dệt may Việt Nam 2023 được nhận định với 3 kịch bản. Với kịch bản tốt, hết quý II/2023 kinh tế vĩ mô thế giới ổn định, xung đột địa chính trị kết thúc; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 khoảng từ 4 – 5% so với năm 2022. Với kịch bản trung bình, tình hình xấu của quý IV/2022 kéo dài đến quý III/2023 với nhiều yếu tố bất định hơn, chưa rõ ràng về giảm lạm phát, lãi suất vẫn tăng và chưa giảm. Khi đó, xuất khẩu duy trì ngang với năm 2022.
Với kịch bản xấu, trong điều kiện diễn biến xấu, kinh tế thế giới suy thoái, kim ngạch xuất khẩu năm 2023 có thể thấp hơn năm 2022 khoảng 5%.
Như vậy có thể thấy, dù ở kịch bản, dự báo nào, ít nhất trong quý I và quý II năm 2023, thị trường xuất khẩu dệt may vẫn sẽ còn khá trầm lắng, chưa thể có sự bứt phá trở lại sớm.
Cùng đó, tình hình kinh tế thế giới trên mọi phương diện tiếp tục được dự báo khó khăn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế không mấy sáng sủa, những điều tồi tệ nhất vẫn chưa diễn ra và thế giới có thể đối mặt với suy thoái nghiêm trọng.
Dẫu vậy, theo các chuyên gia, bức tranh năm 2023 vẫn có những điểm sáng như dịch bệnh COVID-19 đang từng bước được đẩy lùi, thế giới cũng đã quen với một trạng thái cân bằng mới. Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng trong năm 2023; Trung Quốc nới lỏng chính sách Zero COVID-19 và logistics có tín hiệu hạ nhiệt…
Các kịch bản năm 2023
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, với mục tiêu đã đặt ra trong giai đoạn 2023 – 2025 và xây dựng tầm nhìn đến năm 2030, ngành dệt may đưa ra 5 giải pháp; trong đó quan trọng nhất là xây dựng chiến lược chung cho ngành trong dài hạn. Theo đó, để phát triển theo mục tiêu xanh và bền vững, Vitas đã trình Bộ Công Thương và Chính phủ xây dựng chiến lược dệt may. Bởi vì có chiến lược, mới có đường hướng đi, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể cho mục tiêu phát triển bền vững.
Từ chiến lược chung, từng doanh nghiệp sẽ đưa ra những giải pháp để bắt kịp xu thế, đặc biệt là đòi hỏi của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Ngay cả Trung Quốc cũng bắt đưa ra những chính sách về phát triển bền vững.
“Ngoài việc xanh hóa dệt may mỗi doanh nghiệp phải đưa ra cho mình một lộ trình riêng theo từng năm. Năm 2023 sẽ bước đi trên con đường của mỗi doanh nghiệp như thế nào để bắt kịp xu thế 2024 – 2025 và tầm nhìn 2030”, ông Giang cho hay.
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, từ những dự báo thị trường có cầu yếu, thắt chặt chi tiêu tại các thị trường, tài chính biến động, cũng như các quan điểm về yếu tố trọng yếu chi phối quản trị doanh nghiệp 2023 càng cho thấy rõ, quan điểm là phải hướng đến xây dựng cung ứng trọn gói, nâng cấp vị thế cạnh tranh trong chuỗi cung ứng, tăng cường sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn, nâng cao trình độ tự động hóa là hoàn toàn chính xác, phù hợp xu thế thế giới.
Tuy nhiên, khi thị trường bị thu hẹp, các chi phí sản xuất đẩy lên cao thì vấn đề đặt ra là tốc độ thực hiện chiến lược đó thế nào? Ông Lê Tiến Trường khẳng định, Vinatex kiên định mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới. Đây là giải pháp dài hạn xây dựng niềm tin trên cơ sở thực lực của doanh nghiệp, năng lực đem lại hiệu quả tối ưu cho toàn chuỗi. Là con đường duy nhất cho phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đồng thời trong ngắn hạn, khi thị trường bị co hẹp, các thành viên ưu tiên của chuỗi cũng là những địa chỉ có sự suy giảm ít nhất, sau cùng.
Giải pháp quan trọng tiếp theo được Vinatex thực hiện là kiên định xây dựng trong nội tại một điểm đến cung ứng giải pháp trọn gói về dệt may và thời trang. Đây là bước thay đổi về chất để tập đoàn không chỉ là thành viên của một chuỗi cung ứng mà chính mình cũng là một chuỗi cung ứng trong sản xuất hoàn chỉnh, có thể tự tin kết nối với các nhà thiết kế và phân phối toàn cầu.
Bên cạnh đó là các giải pháp về sản xuất xanh, sạch, nguyên liệu tái chế, sản phẩm tuần hoàn; các giải pháp về phát triển, đột phá về nhân lực, ông Trường nói.
Nhận định sẽ là một năm thách thức hơn, rộng hơn và có thể dài hơn do sự suy giảm chung của kinh tế toàn cầu; quý I/2023 và có thể kéo dài sang quý II/2023 có thể là giai đoạn khó khăn cho doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, để sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi, tổng công ty sẽ triển khai nhiều giải pháp để giữ chân 12.000 lao động tại 18 nhà máy vì tuyển được người may khéo léo, trình độ tốt hiện nay không đơn giản.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng uy tín trong chuỗi dệt may, khai thác tối đa thuận lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do. Đơn vị cũng “chuyển mình” khi chấp nhận đơn hàng thời trang đòi hỏi chất lượng cao hơn, số lượng nhỏ lẻ hơn, thời gian giao hàng ngắn hơn…