Kinh nghiệm xử lý 6,5 triệu tấn rác thải thực phẩm của Nhật Bản

BVR&MT – Những nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu là rác thải thực phẩm được coi như cơ sở xử lý rác cho các nhà hàng, nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm… tại đất nước Mặt Trời mọc.

Rác thải thực phẩm được các xe tải chuyên dụng phân loại, thu gom tập kết tại công ty sản xuất phân bón hữu cơ Taihi Puranto Hiroshima. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)


Sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải thực phẩm là mô hình vừa đem lại lợi ích cho nông nghiệp, vừa đảm bảo môi trường.

Đây là một trong những giải pháp chủ yếu mà Nhật Bản áp dụng để xử lý khoảng 6,5 triệu tấn thực phẩm thải loại hàng năm theo quy định của Luật Tái chế thực phẩm.

Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, những nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu là rác thải thực phẩm được coi như cơ sở xử lý rác cho các nhà hàng, nơi sản xuất, kinh doanh thực phẩm… tại đất nước Mặt Trời mọc.

Do đó, nhà máy phân bón hữu cơ loại này sẽ có 2 nguồn thu: một nguồn từ việc bán các sản phẩm phân bón hữu cơ và nguồn khác từ chính các nhà hàng, nơi sản xuất kinh doanh thực phẩm, chi trả.

Công ty sản xuất phân bón hữu cơ Taihi Puranto, tỉnh Hiroshima một ngày có thể xử lý được từ 5 đến 10 tấn rác thải thực phẩm.

Sản phẩm phân bón hữu cơ của công ty Taihi Puranto Hiroshima được đóng bao bì để bán ra thị trường. (Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)

Công ty này đang hợp tác với 24 công ty khác chuyên thu gom thực phẩm dư thừa.

Trên 60% thu nhập của Taihi Puranto do các nhà hàng, cơ sở chế biến thực phẩm chi trả để xử lý rác thải hữu cơ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, Giám đốc công ty Taihi Puranto, ông Kutaro Uemura, cho biết quy trình làm ra sản phẩm phân bón hữu cơ từ rác thải thực phẩm trải qua 3 giai đoạn xử lý, lên men.

Giai đoạn thứ nhất diễn ra trong 20 ngày, trong đó nguyên liệu đầu vào bao gồm rác thải hữu cơ có nguồn gốc động, thực vật, rác thải từ thực phẩm công nghiệp, nước thải bẩn, vỏ cây, mùn cưa được đổ trộn với hỗn hợp lên men trước đó và ủ trong nhiệt độ 70 độ C kết hợp đưa vào một lượng nước phù hợp cùng với sục không khí. Rác thải sẽ được khử mùi và thúc đẩy các vi sinh vật có ích hoạt động.

Ở giai đoạn tiếp theo, hỗn hợp sau khi trải qua giai đoạn 1 được ủ và khuấy trộn đều hàng ngày, cùng lượng nước thích hợp và nhiệt độ giữ ở mức cao. Quá trình này mất khoảng 3 tháng.

Giai đoạn 3, hỗn hợp được chuyển sang xay nhỏ và sàng liên tục trong nhiệt độ khoảng 30 độ C với lượng nước vừa phải. Quá trình này diễn ra trong 5 ngày.

Cuối cùng hỗn hợp được chọn lọc một lần cuối, đóng bao bì và bán ra thị trường.

Như vậy, tính từ khi nguyên liệu bắt đầu được đưa vào, thời gian để làm ra sản phẩm sẽ mất khoảng gần 6 tháng.

Tại Nhật Bản, phân hữu cơ được nông dân thường xuyên sử dụng sau khi kết thúc một mùa vụ và chuẩn bị cho một mùa vụ mới.

Việc sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất hiệu quả, trả lại cho đất lượng hữu cơ đã bị mất. Đây là giải pháp để nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Luật tái chế thực phẩm sửa đổi năm 2015 của Nhật Bản yêu cầu trách nhiệm tái chế đến 95% đối với cơ sở chế biến thực phẩm, 70% đối với doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, 55% đối với cửa hàng bán lẻ thực phẩm và 50% đối với quán ăn.

(Ảnh: Thành Hữu/TTXVN)

Hành vi cố tình vứt bỏ thực phẩm số lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường có thể bị áp dụng hình phạt hết sức nghiêm khắc.

Rác thải hữu cơ như thực phẩm dư thừa được cho là nguyên nhân chủ yếu gây ra mùi khó chịu tại các bãi rác.

Mô hình sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải thực phẩm đang góp phần hiệu quả vào bảo vệ môi trường sống.

Đây là kinh nghiệm tốt cho nhiều quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề khử mùi tại các bãi rác tập trung.