Kiến nghị Chủ tịch tỉnh Hà Giang hủy bỏ quy chế quản lý di tích hiện hành

BVR&MT – Mới đây, ông Vương Duy Bảo đại diện 16 chủ sở hữu dinh vua Mèo đã gửi thư tới Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nêu những bất cập trong quá trình 4 tháng thực hiện Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia quý giá này. Kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang hủy bỏ quy chế quản lý di tích hiện hành để chủ sở hữu tự bán vé, đóng phí theo quy định của pháp luật.

Dinh thự nhà họ Vương được công nhận di tích Quốc gia năm 1993

Theo ông Bảo, việc sử dụng nguồn thu từ tiền bán vé tại dinh thự theo quy chế đã được ban hành sẽ được dùng một phần để nộp ngân sách nhà nước; phần còn lại được chia 20% cho chủ sở hữu, 80% cho việc phục vụ hoạt động thu phí, duy tu và sửa chữa thường xuyên khu di tích.

Hiện tại, UBND huyện Đồng Văn vẫn tiếp tục áp dụng mức thu phí theo quy định cũ: 60% tiền thu nộp về ngân sách, còn 40% chi phí cho di tích nhà Vương. Vì thế, ông Bảo lo lắng về việc các chủ sở hữu có nhận được tiền thu từ bán vé 2 lần/năm, tương đương 20% thu từ bán vé sau khi nộp ngân sách theo quy chế hay không?

Ông Bảo và các hộ sở hữu dinh thự vua Mèo băn khoăn về việc áp dụng quy định này thì 16 chủ sở hữu di tích sẽ không được hưởng lợi gì từ việc thu phí tham quan di tích dinh vua Mèo.

Chủ sở hữu dinh vua Mèo đề xuất tự bán vé tham quan

Trong thư gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Bảo cũng cho biết số tiền bán vé từ tháng 1 đến tháng 5/2020 là 486 triệu đồng. Ông Bảo cung cấp số liệu kèm hợp đồng lao động ký kết giữa ông và ông Nguyễn Trung Ngọc – Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn.

Theo hợp đồng, ông Bảo nhận lương để phụ trách bảo tồn di tích và hướng dẫn thuyết minh du lịch cùng với một số người khác trong gia đình họ Vương.

Điều khiến ông Bảo và các chủ sở hữu không nhất trí với quy chế đã ban hành vì khu dinh thự là sở hữu của dòng họ Vương. Trong khi đó, chính quyền quản lý dinh thự này và thu chi để nộp vào ngân sách là không phù hợp. Ông Bảo khẳng định: Việc nhà nước ký hợp đồng trả lương cho các thành viên trong tổ quản lý cũng không đúng.

Vì thế, đại diện 16 chủ sở hữu đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang hủy quy chế, trả lại quyền quản lý di tích cho nhà họ Vương. Đồng thời, cơ quan chức năng phải làm lại quy chế mới, việc quản lý dinh thự phải thuộc về 16 chủ sở hữu. Các chủ sở hữu sẽ bán vé, đóng phí theo quy định.

Ông Bảo cũng đề nghị tỉnh Hà Giang công khai thu chi từ năm 2007 đến nay, vì lý do trong thời gian này nhà nước đã dùng dinh thự vua Mèo để kinh doanh.

Được biết, đây không phải lần đầu tiên các chủ sở hữu dinh thự vua Mèo “có ý kiến”. Cách đây 8 năm, tức năm 2012 sau khi trùng tu dinh thự, UBND tỉnh Hà Giang đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Phòng Văn hóa Thông tin huyện Đồng Văn quản lý và sử dụng dinh thự.

Đây là địa điểm thu hút nhiều khách tham quan quan, du lịch

Đến năm 2018 ông Vương Duy Bảo gửi đơn lên Thủ tướng Chính phủ về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dinh thự họ Vương. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang và Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch có báo cáo tổng quan và quá trình xử lý các vấn đề liên quan đến dinh thự họ Vương.

Sau khi nhận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, UBND huyện Đồng Văn xác minh, làm rõ việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dinh thự họ Vương cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Văn.

Ngày 22/8/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang có công văn giao Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp cho Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Đồng Văn.

Dinh thự họ Vương được xây dựng với diện tích gần 3.000 m2, có tuổi đời gần 100 năm do vua Mèo – Vương Chính Đức đầu tư, tổ chức xây dựng từ năm 1919 và hoàn thành năm 1928 tại xã Sà Phìn (Đồng Văn – Hà Giang).

Dinh thự này được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia từ năm 1993. Tuy nhiên, dinh thự vẫn thuộc sở hữu của gia tộc họ Vương quản lý và sử dụng.

Đến năm 2002, gia đình họ Vương mới biết Quyết định số 937-QĐ/BT ngày 23/7/1993 của Bộ Văn hóa – Thông tin đưa dinh thự của họ Vương thành di tích quốc gia. Người nhà họ Vương phải chuyển ra ngoài sinh sống để cơ quan chức năng thực hiện trùng tu dinh thự.

Hoàng Tôn