BVR&MT – Theo ông H.M.V, 5 cá thể kỳ đà hoa được ông mua lại của người dân địa phương bắt từ trong vườn nhà của các hộ lân cận, ông nuôi từ lúc còn nhỏ với mục đích để làm cảnh.
Ông Đoàn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang, cho biết: Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) vừa tiếp nhận 5 cá thể kỳ đà hoa (Varanus salvator), tổng trọng lượng 30,5 kg.
Người tự nguyện giao nộp là ông H.M.V, thường trú khu phố 6, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá.
Theo ông V, 5 cá thể kỳ đà hoa được ông mua lại của người dân địa phương bắt từ trong vườn nhà của các hộ lân cận, ông nuôi từ lúc còn nhỏ với mục đích để làm cảnh.
Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, ông V, nhận thức được hành vi nuôi nhốt động vật hoang dã là trái với quy định của pháp luật nên ông đã tự nguyện giao nộp cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh để chăm sóc, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên.
Kỳ đà hoa (Varanus salvator) là loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IIB, được quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ quy định về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Sau khi tiếp nhận, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang đưa 5 cá thể kỳ đà về Trạm cứu hộ động vật hoang dã Hòn Me, huyện Hòn Đất để chăm sóc, cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên.
Những năm gần đây, không chỉ người dân trong tỉnh giao nộp cá thể nguy cấp, quý hiếm cho các cơ quan chức năng, có cả những người ngoài tỉnh, thậm chí ở Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo ông Sử Hữu Song, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triền sinh vật, Vườn Quốc gia U Minh Thượng: Những năm qua, Trung tâm tiếp nhận các cá thể sinh vật bị tịch thu từ các vụ vi phạm pháp luật hoặc được các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh tự nguyện giao nộp để điều trị, phục hồi chức năng.
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, các con vật sẽ được tái thả về môi trường sống tự nhiên sau thời gian cứu hộ, chăm sóc.
Đối với những sinh vật đã mất bản năng hoang dã, không đủ khả năng tự sinh tồn trong môi trường tự nhiên sẽ được Trung tâm tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc. Từ đó, lưu trữ, bảo tồn nguồn gen các loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.
Chị Th, ngụ tỉnh An Giang đưa về Trung tâm con khỉ đuôi dài để nơi đây chữa trị và đưa trở về môi trường tự nhiên. Theo chị Th, trước đây gia đình thấy con khỉ đuôi dài còn nhỏ dễ thương mua về nuôi làm cảnh, khi nó bị thương gãy một chân thì đem đến trạm thú y địa phương để chữa trị.
Tại đây, khi cán bộ thú y cho biết đây là loài động vật cấm nuôi nhốt, gia đình chị liên hệ và đưa con khỉ này về Vườn Quốc gia U Minh Thượng để nơi đây chăm sóc và nuôi dưỡng.
Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triền sinh vật, Vườn Quốc gia U Minh Thượng tiếp nhận cứu hộ 745 cá thể động vật hoang dã và đã trả về tự nhiên 694 cá thể. Ngoài ra, trung tâm gây nuôi phát triển 5 loài động vật hoang dã, có 3 loài sinh sản thành công trong môi trường nuôi nhốt.
Hàng năm, Trung tâm triển khai sinh sản nhân tạo tái thả về môi trường tự nhiên trên 20.000 con cá bản địa (trê vàng, sặc rằn) để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. Trung tâm hiện có 36 chuồng nuôi động vật hoang dã, 5 chuồng nuôi bán hoang dã.
Ông Sử Hữu Song, Giám đốc Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triền sinh vật, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, cho biết với mong muốn các động vật hoang dã luôn được bảo tồn, Trung tâm thường xuyên tuyên truyền đến người dân không săn bắt các loài động vật hoang dã trong rừng.
Các nội dung tuyên truyền được một số nhân viên Trung tâm lồng ghép vào nội dung thuyết minh cho các đoàn du khách đến tham quan tại Vườn. Nhờ đó, thời gian qua, nhiều cá nhân trực tiếp liên hệ với Trung tâm để bàn giao một số động vật nguy cấp, quý hiếm./.