BVR&MT – Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang, trong 5 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra nhiều đợt thiên tai bất thường, gây thiệt hại không nhỏ đến tài sản và tính mạng của nhân dân.
Tháng 4/2020, trên địa bàn hai xã Vân Khánh Tây và Vân Khánh (huyện An Minh) đã xuất hiện mưa lớn kèm lốc xoáy làm thiệt hại 37 căn nhà, trong đó 6 căn bị sập hoàn toàn, 31 căn bị tốc mái. Cuối tháng 5/2020, trận mưa lớn xảy ra trên địa bàn huyện Vĩnh Thuận làm sập và tốc mái 10 căn nhà, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn huyện Vĩnh Thuận đã phối hợp chính quyền địa phương kịp thời hỗ trợ tiền, nhân lực giúp người dân khắc phục hậu quả…
Ông Lê Xuân Hiền – Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang cho biết, hiện địa phương này đang bước vào thời kỳ đầu mùa mưa. Đây là thời điểm thường xảy ra những cơn dông, lốc xoáy và sấm sét đe dọa tính mạng, sản xuất, đời sống của người dân. Từ nay đến cuối năm 2020, trên Biển Đông có thể xuất hiện từ 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 5 đến 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung bộ và phía Nam trong những tháng cuối năm 2020. Do đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ tài sản trong mùa mưa bão.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, có hiệu quả, khắc phục, ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do mưa lớn kèm theo dông lốc, sét trên địa bàn tỉnh trong mùa mưa bão năm 2020, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang và các địa phương đã tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai ngay từ đầu mùa mưa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp lực lượng biên phòng Kiên Giang thực hiện rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh để đưa vào quản lý, thực hiện kiểm tra trang thiết bị an toàn trên tàu cá, tổ chức tập huấn hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền, trú tránh bão, áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn của ngư dân khi hoạt động trên biển.
Cùng với đó, các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân xây dựng công trình, nhà kiên cố, thường xuyên gia cố, chằng chống nhà để tăng độ vững chắc nhằm đề phòng khi dông, lốc xảy ra. Các huyện, thành phố tổ chức chặt tỉa cây xanh gần nhà dân, lưới điện nhằm tránh gãy đổ.
Các cơ quan chức năng kiểm tra mức độ an toàn, vững chắc của các biển quảng cáo, panô, áp phích, các khu vực tạm bợ và dàn giáo công trình đang thi công để tránh đổ, ngã gây nguy hiểm.
Được biết, tại Kiên Giang, có ba loại hình thiên tai thường xảy ra trong những năm gần đây, có năm diễn biến cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống, đó là xâm nhập mặn, lũ và sạt lở bờ sông, bờ biển.
Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang đã thường xuyên chỉ đạo đôn đốc các địa phương triển khai tốt việc rà soát, kiểm tra hệ thống đê bao, bờ bao, khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng, đồng thời, đánh giá khả năng chống lũ của từng tuyến bờ bao, các đoạn đê bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa mưa để kịp thời khắc phục, bảo vệ sản xuất.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình lũ, chỉ đạo từ các cơ quan chuyên môn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, tổ chức liên quan chủ động triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống, đê phòng thiệt hại do mưa lũ gây ra.