BVR&MT – Ngày 17/11, tại hội nghị sơ kết Quy chế phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm vùng III (thuộc Cục Kiểm lâm) và Chi cục Kiểm lâm 21 tỉnh, thành phố phía Nam đã bàn nhiều giải pháp để bảo vệ rừng tự nhiên, ngăn chặn hành vi vi phạm liên quan đến cây rừng và động vật hoang dã.
Tại hội nghị, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố phía Nam đã nêu những khó khăn, bất cập và kinh nghiệm thực tiễn, giải pháp của từng địa phương trong quá trình quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ động vật rừng thời gian qua.
Tính đến 31/12/2022, tổng diện tích đất có rừng trong khu vực là 1,23 triệu ha, tăng 6.628 ha so với năm 2021; trong đó, rừng tự nhiên 781.826 ha (tăng 10.262 ha), rừng trổng 454.304 ha.
Nói về vai trò cần thiết phải liên kết vùng, ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh cho rằng, sự hoạt động của lâm tặc hay việc di cư của các loài chim, vấn đề bảo tồn đều mang tính chất liên tỉnh, liên vùng.
Do đó, các tỉnh thành, đặc biệt là vùng lân cận cần phải phối hợp lại và phối hợp với đơn vị cấp trên để giải quyết, nhất là trong chống cháy rừng. Ngoài ra, liên quan đến bất cập về cơ chế, chính sách pháp luật, các đơn vị cũng cần phối hợp để có thêm nhiều giải pháp và có đề xuất tốt hơn cho đơn vị cấp trên giải quyết.
Theo ông Dương Văn Lâm, Chi Cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng III, việc thực hiện quy chế phối hợp thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản của mỗi đơn vị theo tình hình thực tế và đặc thù riêng của từng địa phương.
Chi cục Kiểm lâm các tỉnh chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành bảo vệ rừng; nhiều chương trình dự án về lâm nghiệp, mô hình trồng và chăm sóc rừng, gây nuôi động vật hoang dã đang được triển khai có hiệu quả. Do đó, việc thực hiện công tác được giao của lực lượng kiểm lâm các tỉnh Nam bộ ngày càng đi vào nề nếp, mang lại hiệu quả ngày càng cao.
Cũng theo Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng III, sự phối hợp tích cực giữa lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, quản lý thị trường trong đấu tranh phòng chống, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng, quản lý lâm sản đã góp phần làm giảm đáng kể số vụ, mức độ vi phạm. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ngày càng quan tâm đến chế độ, chính sách đối với lực lượng kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng, tạo sự phấn khởi và yên tâm công tác hơn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên kiểm lâm.
Ngay từ đầu mùa khô các địa phương đã xây dựng phương án và kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng; trong đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Tổ chức lực lượng kiểm lâm gắn với chính quyền với dân, với rừng…
Tuy nhiên, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng III cũng nhìn nhận còn nhiều bất cập ở một số tỉnh, thành như: tình trạng quy hoạch rừng và đất nông nghiệp; giao đất, rừng kém hiệu quả, nhiều nơi xảy ra tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng; tình trạng chặt phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn ra ầm ĩ chưa có giải pháp dứt điểm nhất là tại khu vực có rừng tự nhiên giáp ranh các tỉnh; tình hình vận chuyển, mua bán gỗ và lâm sản trái phép tại một số khu vực biên giới vẫn diễn ra…
Ngoài ra, tình trạng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng của El nino, nắng hạn kéo dài đã gây ra nhiều vụ cháy rừng, nhiều diện tích rừng trồng bị chết do nắng hạn, hệ thống rừng ngập mặn ven biển trên địa bàn một số tỉnh miền Tây bị sạt lở nghiêm trọng. Tính đến tháng 10/2023, trên địa bàn 21 tỉnh phía Nam xảy ra 28 vụ cháy rừng, thiệt hại 30,48 ha rừng trồng (chủ yếu rừng trồng tràm, keo 3-5 năm tuổi do đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa bẫy bắt ong, bị đốt phá…). Ngoài ra, các đơn vị cũng phát hiện 984 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp (đã khởi tố 26 vụ).
Năm 2024, các đơn vị sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện quy chế phối hợp, phù hợp với quy định, chính sách, pháp luật hiện hành. Đồng thời, sẽ khắc phục một số tồn tại, hạn chế vừa qua.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm vùng III cũng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm các tỉnh thành thực hiện nghiêm túc quy định về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại phương án, kế hoạch bảo vệ rừng đảm bảo phù hợp với thực tiễn; tăng cường phối hợp trong kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy, quản lý lâm sản và gây nuôi động vật hoang dã; tích cực phối hợp truy quét, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp tại điểm nóng, khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh giữa các tỉnh và khu vực biên giới; duy trì mạng lưới thông tin liên lạc giữa Chi cục Kiểm lâm vùng với kiểm lâm các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng.
Ông Dương Văn Lâm cũng chia sẻ những khó khăn mà lực lượng kiểm lâm các tỉnh, thành gặp phải, đồng thời động viên các đơn vị vượt khó, khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, kiểm lâm các địa phương chủ động ngăn chặn, kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm về lâm nghiệp, nhất là phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, động vật hoang dã trái phép.