Khuyến nông cộng đồng để sản xuất cà-phê không gây mất rừng

BVR&MT – Ngày 24/8, tại thành phố Đà Lạt, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng tổ chức Tọa đàm “Khuyến nông cộng đồng trong sản xuất cà-phê không gây mất rừng”. Khoảng 200 đại biểu là đại diện một số cơ quan, tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh cà-phê các tỉnh Tây Nguyên tham dự.

Quang cảnh tọa đàm.

Đây là dịp để các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm về Quy định sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu (EU). Quy định này được Nghị viện châu Âu thông qua vào tháng 4/2023, có hiệu lực từ tháng 6/2023 và bắt đầu áp dụng các nghĩa vụ đối với công ty lớn từ tháng 12/2024.

Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh nhấn mạnh, phải hành động ngay trong việc sản xuất cà-phê không gây mất rừng, nhằm tránh thêm một “thẻ vàng” của EU trên đất liền như đã từng xảy ra với mặt hàng thủy hải sản.

Đồng chí cho rằng, cà-phê là một ngành hàng chủ lực và EU là thị trường lớn. Vì vậy, cần có sự nhận diện rõ hơn về vấn đề phát triển bảo đảm quy định chống phá rừng và có định hướng, giải pháp. Trong đó, khuyến nông cộng đồng có vai trò, trách nhiệm quan trọng đối với vùng sản xuất cà-phê, góp phần làm minh bạch, đáp ứng với quy định của EU.

Tại tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, EUDR là vấn đề vừa mang đến thách thức cho ngành hàng cà-phê của Việt Nam và cũng là cơ hội để ngành hàng cà-phê có sự tổ chức, thay đổi, phát triển theo hướng nâng cao giá trị, bền vững. Nhất là để việc sản xuất được bảo đảm trước các quy định EUDR, các đại biểu, đại diện đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cho rằng, cần tập trung nâng cao nhận thức về EUDR và tiến tới xây dựng vùng sản xuất phù hợp.

Mùa thu hoạch cà-phê tại Tây Nguyên.

Đại diện Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững IDH nêu vấn đề, để chứng minh cà-phê sản xuất không gây mất rừng phải có định vị, truy xuất nguồn gốc đến từng khu vườn, báo cáo giải trình, phân tích nguy cơ và giải pháp giảm thiểu nguy cơ mất rừng. Việc triển khai hành động thực hiện quy định về sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng cần liên kết vai trò của các bên lẫn nhau.

Trong số đó, các cơ quan nhà nước, như ngành nông nghiệp, kiểm lâm, Ủy ban nhân dân các địa phương phải chia sẻ dữ liệu rừng, dữ liệu địa chính. Từ đó, các Trung tâm khuyến nông, Tổ khuyến nông cộng đồng làm căn cứ để tuyên truyền, đào tạo và tập huấn về quy định sản xuất không xâm lấn rừng cho hộ nông dân.

Theo thống kê, đến cuối 2022, Việt Nam có hơn 14,7 triệu ha rừng. Hiện Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phát triển 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, nhằm đáp ứng quy định sản xuất không gây mất rừng và suy thoái rừng của EU. Trong đó, vùng sản xuất cà-phê Tây Nguyên hơn 11,2 nghìn ha, với các tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu cà-phê đạt chuẩn.

Thời gian qua, nhiều mặt hàng nhập khẩu vào EU được áp dụng EUDR, trong đó có sản phẩm cà-phê. Hoạt động nhập khẩu hàng hóa và các loại mặt hàng dạng này chiếm 85 triệu Euro mỗi năm. Các sản phẩm từ Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 2,3 tỷ Euro, chủ yếu mặt hàng cà-phê (47,5%), gỗ (35,2%), cao su (17,1%).

Nhà nông sản xuất cà-phê sạch tại Lâm Đồng.

Trước đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án thí điểm “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng”.

Giai đoạn 1 của đề án thực hiện từ năm 2021-2023, được triển khai thí điểm tại 13 tỉnh, thành phố và thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm gồm 168 thành viên và 562 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng, với 4.276 thành viên. Hiện tại, trên cả nước đã có thêm nhiều tỉnh, thành phố đã thành lập các tổ khuyến nông cộng đồng.

Đây là nội dung trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học”, diễn ra đến ngày 25/8.