BVR&MT – Với đặc điểm địa hình núi đá vôi phức tạp bao trùm phần lớn diện tích Khu bảo tồn, nếu để mất rừng thì khả năng phục hồi lại là vô cùng khó khăn. Ngoài ra, hệ sinh thái rừng KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng còn là rừng phòng hộ đầu nguồn nên công tác bảo tồn càng cần được chú trọng.
•Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa – Phượng Hoàng (Kỳ 1): Vẻ đẹp thiên nhiên “ẩn mình” nơi rừng thẳm
Cũng chính vì thế lực lượng Kiểm lâm của KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng ngoài nhiệm vụ ngăn chặn tình trạng buôn bán vận chuyển lâm sản còn có nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vụ môi trường.
Đồng thời, phát triển rừng đặc dụng nhằm bảo tồn thiên nhiên, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, kết hợp phòng hộ, góp phần bảo vệ môi trường và tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức và đời sống của người dân trong Khu bảo tồn.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó giám đốc kiêm Phó Hạt trưởng KBTTN Thần Sa – Phượng Hoàng cho biết, trong 2 năm trở lại đây Ban Quản lý đã tổ chức khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư sinh sống trong Khu bảo tồn, năm 2016 là 8.276,73 ha, năm 2017 là 6.276,75 ha và xúc tiến quá trình tái sinh tự nhiên nhằm phục hồi lại nguyên trạng hệ sinh thái rừng vốn có trong khu vực, dự kiến triển khai trong năm 2018.
Đây là một trong những việc làm thiết thực không chỉ góp phần đem lại thu nhập cho người dân trong Khu bảo tồn về đời sống kinh tế – xã hội, văn hóa tinh thần mà còn giảm thiểu áp lực đối với việc bảo vệ tài nguyên động, thực vật hoang dã, quý hiếm, các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời gia tăng số lượng, chất lượng cá thể và quần thể các loài đang bị đe dọa. Nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ môi trường của người dân địa phương, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ rừng đặc dụng.
Thạch Thảo – Xuân Mạc