Khu bảo tồn do cộng đồng quản lý: Tại sao không?

BVR&MT – Sự tham gia của cộng đồng ngày càng được chấp nhận rộng rãi như một nguyên tắc cốt lõi trong quản lý rừng và bảo tồn thiên nhiên. Từ những năm 1990, việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cũng như việc thừa nhận pháp lý về quyền đối với đất đai đã khuyến khích sự phát triển của các phương thức quản lý rừng cộng đồng. Đến nay, rất nhiều các khu rừng trong số đó đã và đang được cộng đồng quản lý tốt, phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong bối cảnh thúc đẩy xã hội hóa ngành lâm nghiệp và hoạt động bảo tồn thiên nhiên, các mô hình rừng cộng đồng này cần thiết phải được duy trì và nâng cao hiệu quả. Các phương thức mới thúc đẩy quản trị rừng tốt, sự tham gia và trao quyền thêm cho các cộng đồng được coi là giải pháp hữu hiệu. Khu bảo tồn do cộng đồng quản lý là một trong số đó.

Từ các mô hình cộng đồng bảo vệ rừng thành công…

Vân Hồ là một huyện thuộc tỉnh Sơn La có độ che phủ rừng cao so với cả nước (56,3%). Tổng diện tích rừng được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của huyện lên tới 50.000 ha, chiếm 66,7% tổng diện tích rừng toàn huyện. Kể từ năm 2002, huyện Mộc Châu (Sơn La) đã tiến hành giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng các thôn bản tại khu vực Vân Hồ (nay là huyện Vân Hồ).

Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ, rừng do cộng đồng quản lý đạt hiệu quả cao hơn so với hộ gia đình. Điều này phần lớn là do cộng đồng có khả năng ứng phó với các vi phạm như phá rừng, đốt/phát nương làm rẫy hoặc khai thác gỗ trái phép trong khi các hộ gia đình phải nhờ đến sự phân giải của trưởng thôn/hội đồng quản lý thôn bản. Hơn nữa, các cộng đồng có đủ năng lực và điều kiện để tuần tra bảo vệ rừng, trong khi nhiều trường hợp các hộ gia đình chỉ nhận tiền khoán bảo vệ rừng hoặc từ chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ. Xét ở quy mô rộng hơn, các hộ gia đình thường được khoán các diện tích nhỏ nên số tiền chi trả DVMTR cũng không đáng kể, không đủ động lực để hộ gia đình bảo vệ rừng. Để thuận lợi cho việc bảo vệ rừng, nhiều nhóm hộ gia đình đã liên kết với nhau và cũng được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nhóm hộ.

Trên địa bàn huyện, có nhiều mô hình giao rừng cho cộng đồng đạt hiệu quả cao như tại bản Pa Cốp, Chiềng Yên, Mường Men, Mường Tè. Qua khảo sát được biết, bản Pa Cốp (xã Vân Hồ – huyện Vân Hồ) được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên 89,1 ha đất rừng năm 2002. Để bảo vệ diện tích rừng này, trưởng bản thành lập 03 tổ bảo vệ rừng theo từng nhóm hộ để phân công tuần tra luân phiên. Vào các kỳ giáp hạt hoặc những tháng nông nhàn, các tổ bảo vệ tăng cường tuần tra bảo vệ rừng (2-3 lần/tuần) để đảm bảo không xảy ra các vi phạm. Nếu phát hiện vi phạm, trưởng bản/hội đồng quản lý bản có thẩm quyền xử lý các vụ vi phạm khi giá trị gây thiệt hại quy đổi dưới 500.000 đồng. Các vi phạm nghiêm trọng hơn được chuyển cho UBND xã hoặc hạt kiểm lâm xử lý. Quan sát từ ảnh vệ tinh có thể dễ dàng nhận thấy tỉ lệ che phủ rừng khu vực Pa Cốp, Chiếng Yên, Quang Minh rất cao. Bà con dân bản cũng cho biết vẫn gặp báo, gấu, hoẵng khi đi rừng trong khu vực.

Xét về hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, mô hình cộng đồng tự quản lý rừng được giao tại Pa Cốp là một mô hình thành công, cộng đồng được công nhận quyền sử dụng đất, rừng được bảo vệ.

Thực tế bảo vệ rừng tại nhiều địa phương khác cũng cho thấy, cộng đồng có khả năng bảo vệ rừng tốt hơn so với các chủ thể khác (Ngãi, Tuấn, Triệu, & Tân, 2009, Vĩnh & Anh, 2012, Tuấn, Dũng, & Giang, 2016), đặc biệt là khi gắn với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số có có những luật tục bảo vệ rừng thiêng tùy theo đặc trưng dân tộc và vùng miền. Ngoài các nghi lễ cúng rừng, cộng đồng người Tày tại thôn Khe Váp, xã Bắc Lãng (Lạng Sơn) quan niệm rừng Khe Váp là rừng thiêng đồng thời là rừng cộng đồng, người dân không được phép chặt cây/phát nương làm rẫy trong khu rừng này[1]. Người Dao xã Dền Sáng (Bát Xát, Lào Cai) thề giữ rừng Ngải Chồ bằng các quy ước của luật tục, thành viên nào vi phạm sẽ bị phạt theo quy định. Rừng thiêng của người Thái tại Quế Phong (Nghệ An) là nơi an nghỉ của người đã khuất, là nơi không thể xâm phạm. Nhờ các luật tục cộng đồng, nhiều khu rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh đã được bảo vệ nguyên vẹn. Khu rừng pơ mu nguyên sinh trên đỉnh Zi’liêng, huyện Tây Giang vẫn được người dân tộc Cơ Tu bảo vệ nguyên vẹn từ nhiều đời nay[2]. Thậm chí, để bảo vệ rừng khỏi bị đốn hạ, già làng đã đề nghị cộng đồng chủ động phối hợp với chính quyền và bộ đội biên phòng để bảo vệ rừng.

Thành công của các mô hình nói trên cho thấy các cộng đồng hoàn toàn có đủ khả năng tổ chức, quản lý hiệu quả các khu vực tự nhiên đồng thời nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công này, vẫn còn một số thách thức tồn tại đối với các mô hình quản lý rừng cộng đồng. Cụ thể, các cộng đồng đã được công nhận quyền sử dụng đất nhưng thiếu tư cách pháp nhân để có thể tự đứng ra huy động các nguồn tài chính bảo vệ rừng và mang lại lợi ích kinh tế từ rừng cho cộng đồng. Chưa kể, với chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, cộng đồng và người dân sẽ ngày càng bị hạn chế quyền hưởng lợi từ rừng và đất rừng, đồng thời tiềm ẩn những rủi ro có thể xảy ra trong tương lai đối với các khu rừng này.

Người dân cùng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng (Ảnh minh họa: PanNature)

… đến khu bảo tồn do cộng đồng quản lý

Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có ĐDSH quan trọng nhất thế giới. Hệ thống rừng đặc dụng, được thành lập nhằm bảo tồn thiên nhiên, trong những năm qua được đánh giá là một trong những thành tựu lớn của sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam. Diện tích rừng đặc dụng của Việt Nam tăng lên nhanh chóng, từ 3.5% diện tích cả nước năm 1990 lên tới gần 6.4% năm 2015 (PanNature, 2017)[3]. Tuy nhiên, hệ thống rừng đặc dụng hiện nay lại đang phải đối mặt với nhiều sức ép như chồng lấn quyền sử dụng đất, áp lực phát triển và nguy cơ suy giảm diện tích rừng và đa dạng sinh học, đặc biệt là thiếu nguồn lực tài chính đầy đủ và bền vững, thiếu nguồn lực nhân sự tham gia bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, tương xứng với các giá trị tài nguyên đa dạng sinh học. Thực tế, tất cả các khu bảo tồn được thành lập hiện nay đều do nhà nước quản lý, phụ thuộc vào nguồn tài chính ngân sách hạn hẹp và phân bổ không đều. Điều này đặt ra các yêu cầu cấp thiết cần phải có các giải pháp chính sách nhằm huy động thêm nhiều nguồn lực (tài chính và nhân sự), trong đó có sự tham gia của cộng đồng vào công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên.

Trong bối cảnh nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, cơ hội chuyển đổi các mô hình rừng cộng đồng bảo vệ tốt thành các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý được đánh giá là một giải pháp khả thi. Đây cũng là một trong bốn hình thức quản lý khu bảo tồn phổ biến trên thế giới, bên cạnh khu bảo tồn do nhà nước quản lý, đồng quản lý và tư nhân (IUCN, 2016)[4].

Khu bảo tồn cộng đồng là gì?

Khu bảo tồn cộng đồng là một hệ sinh thái tự nhiên hoặc đã bị thay đổi một phần, trong đó chứa đụng các giá trị về đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái và văn hoá địa phương, được người bản địa và cộng đồng địa phương tự nguyện bảo tồn bằng luật tục hoặc bằng các giải pháp quản lý hiệu quả” (IUCN, 2004).

Các đặc điểm của Khu bảo tồn cộng đồng:

(i) Cộng đồng tồn tại gắn liền với hệ sinh thái (hoặc loài và sinh cản sống của nó) về mặt văn hóa và/hoặc phụ thuộc về sinh kế;

(ii) Người dân có năng lực, quyền lực và tự nguyện quản lý tài nguyên đa dạng sinh học thông qua luật tục, hương ước, quy ước;

(iii) Thực hành các quyết định của cộng đồng giúp bảo tồn/duy trì và phát triển tài nguyên đ dạng sinh học một cách lâu dài/bền vững.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 1,06 triệu ha rừng tự nhiên do cộng đồng quản lý. Nếu có sự đồng thuận của cộng đồng, các diện tích rừng tự nhiên này hoàn toàn có cơ hội xây dựng và phát triển thành các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý. Một số lợi ích của quá trình chuyển đổi này có thể mang lại những lợi ích, như: (i) Giúp mở rộng diện tích các khu bảo tồn, kết nối hành lang đa dạng sinh học, khắc phục tình trạng phân mảnh rừng tự nhiên, đồng thời giảm nguy cơ lấn chiếm và mất rừng rừng tự nhiên; (ii) Mở ra cơ hội thu hút nguồn lực từ các thành phần ngoài nhà nước (cộng đồng và khu vực tư nhân); từ đó giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước cho những đầu tư cho hoạt động  bảo vệ rừng và đa dạng sinh học; (iii) Cơ hội tài chính bền vững: dịch vụ hệ sinh thái, carbon, du lịch sinh thái, v.v. cũng như (iv) hỗ trợ quốc gia thực hiện và đạt được các mục tiêu đã cam kết trong các hiệp ước quốc tế như Mục tiêu Aichi, Công ước về Đa dạng Sinh học (CBD), hay các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng và suy thoái rừng trong khuôn khổ Công ước Khung về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC).

Tuy nhiên, hiện tại, tất cả các phân hạng khu bảo tồn thiên nhiên theo Luật Bảo vệ Phát triển rừng 2004 hay Luật Đa dạng sinh học 2008 vẫn do các cơ quan nhà nước quản lý. Hình thức “đồng quản lý” rừng đặc dụng cũng được thúc đẩy trong những năm trước đây, nhưng mới dừng lại ở các mô hình, quyết định thí điểm mà chưa có những lộ trình chính sách rõ ràng để nhân rộng. Do đó, hiện vẫn còn thiếu các căn cứ và hỗ trợ pháp lý chính thức cho việc xác lập các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý trong thực tế. Để hiện thực hóa được ý tưởng này, bên cạnh một số hoạt động rà soát lại toàn bộ các diện tích, mô hình quản lý rừng cộng đồng; và lựa chọn, hỗ trợ thực hiện mô hình thí điểm thì những cam kết và hỗ trợ chính sách cũng thật sự cần thiết. Hiện nay Luật BVPTR đang trong quá trình sửa đổi. Đây sẽ là cơ hội để thúc đẩy việc thừa nhận và đưa phân hạng các khu bảo tồn cộng đồng trong nội dung điều chỉnh của Luật này. Cụ thể:

  • Đưa phân hạng khu bảo tồn do cộng đồng quản lý gắn với văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán (khoản 1, Điều 5 – Phân loại rừng) đồng thời chính thức thừa nhận quyền sở hữu chung các khu rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng (Điều 7 – Các hình thức sở hữu rừng).
  • Cần quy định thêm trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc thừa nhận các khu bảo tồn do cộng đồng quản lý (UBND cấp tỉnh) và cấp quản lý trực tiếp (UBND cấp huyện).
  • Để các thành viên trong cộng đồng thực sự được hưởng lợi từ rừng do mình bảo vệ, cần cụ thể hóa nội dung về quyền sở hữu chung của cộng đồng cũng như quyền hưởng lợi của các thành viên trong cộng đồng theo các điều khoản về sở hữu chung và quyền hưởng dụng tài sản trong pháp luật dân sự. 

Th.S. Lê Hà Thu, Trung tâm Con người và Thiên nhiên


TÀI LIỆU THAM KHẢO

Nga, V. T. T. (2015). Thuyết minh Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất cơ chế quản lý đối với các khu bảo tồn cộng đồng và tư nhân tại Việt Nam.” Hà Nội.

Ngãi, N. B., Tuấn, P. Đ., Triệu, V. V., & Tân, N. Q. (2009). Tóm tắt: Lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam: Chính sách và Thực tiễn. In Kỷ yếu hội thảo quốc gia về quản lý rừng cộng đồng Hà Nội, ngày 5/ 6/ 2009 (p. 77).

Tuấn, Đ. T., Dũng, P. V., & Giang, L. H. (2016). Nghiên cứu mô hình quản lý rừng cộng đồng xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Hà Nội.

Vĩnh, L. Q., & Anh, N. T. P. (2012). Nâng cao hiệu quả quản lý phân khu bảo vệ nghiêm ngặt Hòn Mun cần có các giải pháp đồng bộ . Tạp Chí Khoa Học – Đại Học Huế, Tập 75A(Số 6), 229–240.

—–

[1] http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/rung-thieng-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-498680

[2] http://www.baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen-va-cuoc-song/201608/quang-nam-giu-rung-thieng-po-mu-2730362/

[3] PanNature.2017.Thúc đẩy thừa nhận khu bảo tồn do cộng đồng quản lý. Hội thảo “Quyền hưởng dụng rừng của hộ gia đình, cộng đồng trong dự thảo Luật Bảo vệ Phát triển rừng sửa đổi”. Hà Nội, Việt Nam.

[4] IUCN.2016. Protected Planet Report 2016: How protected areas contribute to achieving global targets for biodiveristy. https://wdpa.s3.amazonaws.com/Protected_Planet_Reports/2445%20Global%20Protected%20Planet%202016_WEB.pdf