BVR&MT – Mặc dù, Chi cục Thú y thường xuyên tuyên truyền, vận động nhưng thời gian qua, phần lớn các hộ chăn nuôi ở Bắc Kạn không thực hiện tiêm phòng cho đàn lợn. Hệ quả, đến nay, trên đàn lợn xuất hiện dịch lở mồm long móng và đang có nguy cơ lan rộng.
Các ổ dịch lở mồm long móng (LMLM) bắt đầu xuất hiện tại huyện Chợ Đồn, sau đó tiếp tục phát hiện ở một số địa bàn khác. Ngày 14-1, tại bốn thôn ở xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) xuất hiện dịch trên 67 con lợn của năm hộ dân làm chết 17 con. Đến tháng 2, dịch bệnh tại Bằng Phúc đã lan rộng ra nhiều thôn khiến 231 con lợn mắc bệnh, làm chết 20 con. Ngày 11-2, tại hộ bà Nông Thị Bích, thôn Bản Noỏng xã Yên Nhuận (Chợ Đồn) tiếp tục có 24 con lợn giống có triệu chứng điển hình nghi mắc bệnh LMLM, trong số đó có tám con đã bị chết, 16 con đang điều trị bệnh.
Ngày 18-1, tại tổ 8B, phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn dịch LMLM xảy ra trên đàn lợn của hộ ông Phạm Đức Mộc, làm 11 con mắc bệnh. Tại huyện cửa ngõ Chợ Mới, giáp ranh với Thái Nguyên, có tuyến Quốc lộ 3 đi qua, các ổ dịch cũng liên tiếp xuất hiện khiến các hộ chăn nuôi lo lắng. Từ ngày 8 đến 12-2, tại thôn Ná Bia, xã Nông Hạ và tổ 1, thị trấn Chợ Mới có 12 con lợn của bốn hộ gia đình bị sốt cao, bỏ ăn, chân đau, loét móng. Nhận được tin báo của các hộ dân, cơ quan chuyên môn đã cử cán bộ đến kiểm tra và xác định đàn lợn có dấu hiệu của bệnh LMLM.
Theo thống kê của Chi cục Thú y, đến ngày 20-2, toàn tỉnh có 278 con lợn mắc bệnh lở mồm long móng, 36 con bị chết, số con mắc bệnh đã chữa khỏi là 72. Điều đáng nói, toàn bộ số lợn mắc bệnh đều chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh LMLM nên dịch bệnh có chiều hướng lây lan. Mặc dù, hằng năm, tỉnh đều tuyên truyền, vận động các hộ nuôi nhưng tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin LMLM rất thấp, chỉ đạt khoảng 40% tổng đàn.
Ông Nông Quang Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh và chăn nuôi (Chi cục Thú y Bắc Kạn) cho biết, trung bình mỗi năm tỉnh bỏ ra hơn một tỷ đồng để mua vắc-xin phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong đó có vắc-xin LMLM. Tuy nhiên, với số kinh phí này, chỉ có thể đủ để tiêm vắc-xin LMLM đối với đàn trâu, bò là vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn. Đối với đàn lợn khoảng 200 nghìn con, người nuôi phải tự bỏ kinh phí ra để mua vắc-xin và tiêm. Mỗi mũi tiêm gần 20 nghìn đồng, nhưng người nuôi cho rằng thời gian chăn nuôi lợn ngắn, thường chỉ ba đến bốn tháng nên nhiều hộ chủ quan, không tiêm phòng dẫn đến nhiễm bệnh.
Để khống chế dịch bệnh, huyện Chợ Mới đã tổ chức phun tiêu độc khử trùng tại khu vực chợ trung tâm, một số nơi công cộng, cấp thuốc cho các hộ gia đình để phun chuồng trại. Thị trấn Chợ Mới được cấp 200 liều vắc-xin đã tổ chức tiêm phòng được 150 con lợn. Các thú y viên đến từng hộ chăn nuôi để tiêm phòng cho đàn lợn, đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân chủ động vệ sinh chuồng trại, theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh trên đàn lợn để báo cáo kịp thời cho cán bộ chuyên môn.
Chi cục Thú y tỉnh triển khai các biện pháp khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, tiêm phòng vắc-xin bao vây ổ dịch. Đồng thời, yêu cầu các trạm, chốt kiểm dịch đầu mối giao thông tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật cảm nhiễm với bệnh LMLM; nghiêm cấm vận chuyển động vật mắc bệnh đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp.
Đến thời điểm này cơ bản bệnh LMLM trên đàn lợn ở Bắc Kạn đã được khống chế, số lợn nhiễm bệnh đang dần hồi phục. Tuy nhiên, với số lượng lợn được tiêm phòng vắc-xin chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại tới 120 nghìn con chưa được tiêm, rõ ràng nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng ở địa phương này rất dễ xảy ra. Chưa kể dịch bệnh này cũng xảy ra trên đàn lợn tại các tỉnh giáp ranh và gần với Bắc Kạn, như: Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang… với diễn biến rất phức tạp.
Tỉnh Bắc Kạn cần quyết liệt chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn, tránh để thiệt hại lớn chỉ vì lợi ích nhỏ trước mắt.