Không lãng phí vốn đầu tư công

BVR&MT – Nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả giai đoạn 2021-2025, Việt Nam đang lựa chọn ưu tiên cho tăng trưởng, đồng thời có biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo định hướng này, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang được củng cố và thúc đẩy, trong đó có đầu tư công.

Thi công gói thầu số 9 dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi, Hà Nội. (Ảnh ĐĂNG ANH)

Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo từ nay đến cuối năm, tiếp tục tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt hơn 95% kế hoạch giải ngân vốn, tạo điều kiện, môi trường để thu hút đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài.

Giải ngân 34,68% kế hoạch

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 31/7 vừa qua, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết 642.700 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn chưa phân bổ chi tiết là 26.500 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương 6.100 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 20.400 tỷ đồng; ước khối lượng thanh toán khoảng 232.100 tỷ đồng, đạt 34,68% kế hoạch.

Về triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các bộ, ngành, địa phương đã phân bổ chi tiết hơn 26.345 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư (đạt 97% kế hoạch) và hơn 19.678 tỷ đồng vốn sự nghiệp (đạt 100% dự toán); giải ngân vốn khoảng 11.841 tỷ đồng, đạt khoảng 44% kế hoạch.

Các bộ, ngành, địa phương giao chi tiết nhiệm vụ, dự án đạt 96% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Về tiến độ giải ngân, ước thanh toán đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Có được kết quả này là nhờ các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hướng dẫn xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, một vấn đề đáng lưu ý là tiến độ giải ngân giữa các bộ, ngành, địa phương không đồng đều.

Cụ thể, cả nước có 11 bộ, ngành và 38 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước. Các địa phương này cũng có tỷ lệ giải ngân vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đạt mức cao, trong khi tỷ lệ giải ngân vốn thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia cũng có sự cải thiện đáng kể so với cùng kỳ.

Đối với nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, một số bộ, ngành, địa phương đạt tỷ lệ giải ngân rất cao, trong đó nguồn vốn do các bộ, ngành quản lý có tỷ lệ giải ngân trong nửa đầu năm lên đến 99,58%, riêng Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân 100% vốn.

Nhiều bài học thành công trong giải ngân vốn đầu tư công đã được chia sẻ để rút kinh nghiệm làm tốt hơn trong cả nước. Những năm gần đây, Thanh Hóa là tỉnh luôn nằm trong tốp đầu về giải ngân vốn đầu tư công: 6 tháng đầu năm 2024, địa phương vươn lên dẫn đầu cả nước về giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh năm 2024 là hơn 12.115 tỷ đồng.

Đến ngày 30/6, Thanh Hóa đã phân bổ, giao hết 100% vốn kế hoạch cho các nhiệm vụ, dự án, chương trình và ước đạt tỷ lệ giải ngân 53,93%. Chia sẻ bài học thành công, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho biết, Thanh Hóa xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Do đó, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả nhiều giải pháp như giao sớm kế hoạch chi tiết vốn cho các chương trình, dự án vào cuối năm 2023, quy định cụ thể mốc thời gian hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn đối với từng dự án đầu tư; thành lập 5 tổ công tác để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ kịp thời những nút thắt, điểm nghẽn về tiến độ dự án; tiếp tục gắn trách nhiệm của kết quả giải ngân vốn đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và coi kết quả giải ngân là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân,…

Nhờ đó, Thanh Hóa đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) sớm hơn thời hạn cam kết với Thủ tướng Chính phủ.

Lu lèn mặt đường, chuẩn bị rải đá cấp phối tại dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam, đoạn Quy Nhơn-Chí Thạnh qua tỉnh Phú Yên. (Ảnh XUÂN TRIỆU)

Điều chỉnh vốn linh hoạt

Là địa phương đứng thứ 2 cả nước về giá trị tuyệt đối giải ngân vốn đầu tư công, trên địa bàn thành phố Hà Nội có những đơn vị đã giải ngân được 85,5-92,6% kế hoạch vốn được giao năm 2024. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân 6 tháng cuối năm đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là đối với dự án PPP thuộc dự án xây dựng đường vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Ông Lê Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thành phố về thời điểm thẩm định, duyệt hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư và xây dựng tiêu chuẩn đánh giá giá trị dự thầu của nhà đầu tư đối với tiểu dự án sử dụng vốn nhà nước nhằm bảo đảm tính cạnh tranh cũng như hiệu quả kinh tế khi đấu thầu.

Đây là nhiệm vụ rất quan trọng vì Hà Nội xác định đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, đặc biệt là dự án vành đai 4 – Vùng Thủ đô là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng của địa phương những tháng cuối năm. Từ kết quả đạt được, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong những tháng cuối năm tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt hơn 95% kế hoạch vốn, tạo điều kiện, môi trường để thu hút đầu tư tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài; khẩn trương phân bổ 26.500 tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại, kiên quyết điều chuyển vốn sang các nhiệm vụ, dự án giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn trước ngày 15/8/2024.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia (nhất là dự án 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, tổ chức khánh thành trong dịp kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9); hệ thống đường bộ cao tốc (phấn đấu đến năm 2025, đưa vào khai thác khoảng 3.000 km).

Theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, vốn đầu tư công là tiền của Nhà nước, của nhân dân, phải sử dụng hiệu quả, không chậm trễ, không lãng phí. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Thường trực Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công.

Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nhưng giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 (giải ngân đạt 37,85% kế hoạch).

Trong 8 giải pháp được đề xuất nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung vào nội dung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đất đai, tài nguyên; hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan và đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu tăng cường giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công.

Thực tiễn cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách nhưng kết quả giải ngân đầu tư công có nơi đạt cao, có nơi làm chưa tốt. Đâu đó ở một số cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không thực hiện đầy đủ chức năng, quyền hạn trong thực thi công vụ gây ách tắc trong công tác tổ chức thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ thay thế kịp thời những cán bộ, công chức yếu kém về năng lực, trì trệ, thiếu trách nhiệm, cố tình gây khó khăn, cản trở tiến độ giải ngân vốn; kiên quyết xử lý các hành vi gây nhũng nhiễu, tiêu cực trong quản lý đầu tư công. Đồng thời các bộ, ngành, địa phương cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, có chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

NGUỒNnhandan.vn
Tags:
CHIA SẺ