BVR&MT – Không khí trái ngược hẳn so với mọi năm, không sặc sỡ, không nhộn nhịp cũng không hào hứng là cảnh tượng của “vựa hoa” Tây Tựu những ngày gần đây. Điều đáng nói, khung cảnh tiêu điều này lại diễn ra trước thời điểm 20/10, một trong những ngày tiêu thụ hoa lớn nhất trong năm.
Niềm vui ngắn ngày
Làng hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội) gần 100 năm làm nghề được công nhận và vinh danh là làng nghề truyền thống tại Hà Nội. Với diện tích hơn 500ha, trên địa bàn phường trồng đa dạng các loại hoa như hoa ly, hoa cúc, hoa hồng,… mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Thời gian giãn cách vì dịch người dân đã phải cắt bỏ hoa vì không có người mua, cũng không giao thương được. Thậm chí nhiều gia đình phải cắt bỏ và đem đi đốt. Phá bỏ thì tiếc, bán thì rẻ như cho mà chăm sóc tiếp lại không đủ kinh phí. Theo người làm vườn ở đây chia sẻ: Đợt dịch vừa qua mỗi gia đình làm vườn thiệt hại ít nhất 20 – 50 triệu đồng. Đối với gia đình trồng hoa ly, quy mô rộng còn lỗ nặng hơn.
May thay sau đợt giãn cách, thời tiết cũng ủng hộ giá bán hoa vẫn giao động ổn định 100.000 – 120.000/ bó. Gia đình cô Tuyết – người trồng hoa lâu năm phấn khởi chia sẻ với chúng tôi: “Sau giãn cách giá hoa có cao hơn so với thời điểm dịch bệnh chút nhưng vậy cũng vui rồi, mỗi bó khoảng 100 bông có giá 90 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng tùy theo chất lượng hoa. Hoa hồng trồng ngày nào cũng cắt liên tục, giá bán ổn định, trồng nốt vụ này đến tháng 11,12 gia đình cô sẽ thay đổi trồng hoa khác cho những vụ tiếp theo”.
Chợ hoa Tây Tựu cũng trở nên tấp nập. Hoa tại các vườn cắt liên tục với đổ xô ra chợ đầu mối. Dịp lễ cũng là thời điểm để người dân trồng hoa có thể tiêu thụ số lượng lớn các loại hoa, khôi phục lại kinh tế sau khoảng thời gian dài. Tuy nhiên niềm vui, không khí ấy chẳng kéo dài được bao lâu….
Khung cảnh tiêu điều trước dịp lễ 20/10
Như mọi năm thời điểm này, thủ phủ hoa Tây Tựu luôn trong tình trạng tấp nập và nhộn kịp kẻ mua người bán. Đối với người dân trồng hoa, đặc biệt là hoa hồng những ngày lễ chính là thời điểm “ đắt show” nhất. Nhưng dịp 20/10 năm nay những vườn hoa trở nên xơ xác, tiêu điều người dân không mấy mặn mà đến thu hoạch.
Không còn những vựa hoa đầy sắc màu như hoa hồng, hoa ly thay vào đó là những khu đất trống, cỏ mọc um tùm, ngập úng. Gia đình bà Hạnh canh tác khoảng 3ha trồng hoa hồng cũng ngán ngẩm chia sẻ: “Năm nay do đợt mưa vừa rồi kéo dài, gây ngập úng nên không có hoa bán, cây hỏng hết. Gía bán rẻ hơn so với năm ngoái một nửa. Hoa đẹp còn bán được 100.000/100 bông. Năm nay dịch bệnh, thời tiết phức tạp, người dân lại càng gặp nhiều khó khăn, thị trường không tiêu thụ được, bỏ vốn không thu lại được.”
Nguyên nhân được cho là đợt tháng 7, người dân phải cắt bỏ hoa vì không xuất đi được, thị trường tiêu thụ bị hạn hẹp. Bên cạnh đó thời tiết cũng không ủng hộ, khiến cho rễ cây ngập úng, thân hỏng, hoa nở đẹp. Gia đình chị Tuyến mới ngày nào phấn khởi trò chuyện với chúng tôi nay cũng buồn rầu than vãn: “Bây giờ cũng không dám tái sản xuất vì sợ dịch bệnh lại bùng. Gia đình tôi không bị hỏng cây nhưng hoa nở không khấm khá hơn nhà người ta là bao nhiêu”.
Không chỉ mất mùa, người dân còn phải đối mặt với cảnh mất giá. Hiện tại chỉ trông chờ vào vụ hoa tết, may ra mới cứu vãn được người dân.
Hà Linh