BVR&MT – Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực ngày 1/1/2019, là công cụ pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý.
Ngày 15/7 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về tình hình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Việc triển khai tổ chức lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 chưa đáp ứng tiến độ
Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua năm 2017, có hiệu lực ngày 1/1/2019, là công cụ pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý. Lần đầu tiên có một luật quy hoạch chung, trước đây nội dung này được thể hiện trong nhiều luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch còn là công cụ rất quan trọng giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đề ra định hướng, mục tiêu chiến lược, xác định các động lực, không gian phát triển của mỗi ngành, địa phương, của cả quốc gia để đảm bảo cho sự phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cho phát triển bền vững.
Để triển khai thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 5/2/2018 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một cách hiệu quả, trong đó có các giải pháp như tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Quy hoạch; xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch; thực thi các quy định chuyển tiếp của Luật Quy hoạch; Chủ động rà soát các quy hoạch đã có, xây dựng quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo tại hội nghị trực tuyến.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ khi Luật Quy hoạch được thông qua đến khi có hiệu lực thi hành có khoảng thời gian 13 tháng để thực hiện việc chuyển tiếp các quy hoạch và triển khai lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, do việc chưa tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp quy hoạch và việc chậm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch nên kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, đặc biệt là việc triển khai tổ chức lập các quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 là chưa đáp ứng được tiến độ theo yêu cầu.
Không để chậm quy hoạch mà ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao lãnh đạo nhiều bộ, ngành, địa phương đã rất nỗ lực, trách nhiệm trong triển khai thực hiện Luật Quy hoạch thời gian qua.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, do đây là những quy hoạch mới, lần đầu tiên xây dựng, đồng thời yêu cầu tích hợp rất cao (bỏ các quy hoạch sản phẩm cụ thể) do đó rất khó triển khai.
“Đây là việc rất khó, nhưng chúng ta phải làm. Khối lượng các quy hoạch phải lập là rất lớn. Cùng lúc 63 tỉnh, thành phố đều phải lập quy hoạch tỉnh, thành phố. Các ngành đều phải lập quy hoạch phát triển ngành. Chính phủ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia. Do đó cần nguồn lực rất lớn, đặc biệt là nguồn lực về con người,” Phó Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, hiện nay không nhiều đơn vị tư vấn lập được quy hoạch. Trong khi đó lần này là quy hoạch quốc gia, quy hoạch vật thể, liên quan đến không gian, công trình, hạ tầng, đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, nghĩa trang, khu xử lý chất thải, khu du lịch… Tất cả đều phải thể hiện trên bản vẽ chứ không phải quy hoạch chiến lược như trước đây. Do đó, cần đội ngũ tư vấn rất lớn, có chuyên môn, kinh nghiệm.
Việc tổ chức thực hiện Luật Quy hoạch còn nhiều lúng túng, ngay cả ở Trung ương, dẫn đến chậm, ảnh hưởng đến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Về các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chuyển tiếp Luật Quy hoạch mà các bộ, ngành, địa phương đã nêu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết trước hết là việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch trong thời kỳ 2021-2030. Đây là vướng mắc rất lớn. Luật chưa bao quát hết các trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Trong thực tế, điều chỉnh quy hoạch là nhiệm vụ trong hoạt động quy hoạch, đồng thời cũng là nhiệm vụ trong quá trình thực hiện quy hoạch.
“Không ai có thể nói quy hoạch của chúng ta hôm nay là tốt nhất. Nhận thức là một quá trình, nếu điều chỉnh cho tốt hơn cần được khuyến khích, khác với việc điều chỉnh quy hoạch để mang lại lợi ích cá nhân, làm phương hại lợi ích quốc gia, lợi ích của cộng đồng,” Phó Thủ tướng lưu ý.
Vướng mắc lớn thứ hai là trình tự lập quy hoạch. Theo điều 6 Luật Quy hoạch, quy hoạch cấp trên là cơ sở cho quy hoạch cấp dưới. Tức là phải có quy hoạch tổng thể quốc gia mới lập các quy hoạch cấp dưới, như vậy có thể phải hàng chục năm mới xong các quy hoạch ngành, vùng, tỉnh. Đây là yêu cầu rất đúng của Luật để đảm bảo tính đồng bộ của quy hoạch nhưng rất khó triển khai.
Vướng mắc thứ ba của các địa phương là việc phê duyệt các quy hoạch tỉnh đã được triển khai lập theo quy định cũ, cơ bản đáp ứng các yêu cầu nhưng chưa được thẩm định. Một khó khăn nữa của các địa phương là việc tích hợp nội dung vào quy hoạch. Đây là nội dung vướng cả ở trung ương và các địa phương.
“Chẳng hạn như lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, nội dung nào được đưa vào, nội dung nào không. Rõ ràng không thể tích hợp mọi quy hoạch. Quy hoạch phải không cứng nhắc, thay vào đó phải mở ra không gian sáng tạo cho các bộ, ngành, địa phương,” Phó Thủ tướng phân tích.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, không để chậm quy hoạch mà ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Thực hiện nghiêm Luật Quy hoạch, nhưng phải làm sao để đảm bảo dòng chảy liên tục của quá trình phát triển, không để vướng mắc như vừa qua. Đây là quan điểm chỉ đạo thống nhất của Quốc hội, Chính phủ.
Từ đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch; trong năm 2020 phải cơ bản xong để phê duyệt.
Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong thời kỳ từ nay đến 2020, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện các dự án đầu tư cấp thiết cho phát triển kinh tế-xã hội, sau đó cập nhật vào quy hoạch mới.
Với các quy hoạch đã lập, đã tổ chức thẩm định nhưng chưa phê duyệt như kiến nghị của một số địa phương, sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phê duyệt theo Luật Quy hoạch hiện hành, nhưng không hồi tố các thủ tục trước đây.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng được giao chủ trì thành lập các tổ chức công tác liên ngành để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn phân bổ vốn cho công tác lập quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng quốc gia; sớm thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh.
Các bộ, ngành Trung ương khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Quy hoạch; đồng thời, tiến hành lập các Quy hoạch ngành quốc gia.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu phải khẩn trương rà soát, ban hành Danh mục các quy hoạch sản phẩm hết hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của các địa phương trong tháng 7/2019; cung cấp các dữ liệu, hồ sơ quy hoạch liên quan và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; triển khai xây dựng Quy hoạch tỉnh, trong đó phát huy kinh nghiệm của Quảng Ninh và một số địa phương để Thành lập Ban Chỉ đạo lập Quy hoạch tỉnh, xác định các nội dung sẽ được tích hợp vào quy hoạch; ưu tiên cân đối và bố trí vốn trong năm 2019 và triển khai các thủ tục cần thiết cho nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh cho thời kỳ 2021-2030.