BVR&MT – Đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh trong Thư chúc mừng nhân kỷ niệm Ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11) và 77 năm thành lập ngành Lâm nghiệp Việt Nam (1/12/1945-1/12/2022).
Trong Thư chúc mừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan viết: “Nhân kỷ niệm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11) và 77 năm thành lập ngành Lâm nghiệp Việt Nam (01/12/1945-01/12/2022), thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tôi thân ái gửi tới các đồng chí lãnh đạo, tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành Lâm nghiệp qua các thời kỳ; những người trồng rừng, bảo vệ rừng, doanh nghiệp, lao động trong Ngành lời thăm hỏi thân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất”.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đất nước Việt Nam có hơn một nửa diện tích đất liền là đồi núi, được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng “rừng vàng”, kho báu vô giá về tài nguyên đa dạng sinh học. Ngay sau khi lập nước năm 1945, giữa bộn bề nỗi lo, thiếu thốn, khó khăn, thách thức từ thù trong, giặc ngoài thì Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến việc củng cố và hình thành ngành ngành Lâm nghiệp với tên gọi khởi đầu là “Lâm chính”.
Trải qua quá trình lịch sử xây dựng và phát triển đất nước, ngành Lâm nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng và đóng góp vai trò ngày càng quan trọng vào những thành tích chung của toàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
“Tôi hết sức trân trọng, ghi nhận và đánh giá cao những thành quả đó” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, rừng là nơi che chở và là nguồn sống cho toàn nhân loại, là ngôi nhà thiên nhiên của con người và mọi giống loài, đồng thời là không gian bảo tồn tự nhiên và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc, là nơi thưởng thức, trải nghiệm canh quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Trong giai đoạn này, thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chắc chắn chúng ta sẽ còn rất nhiều việc phải quan tâm và cùng hành động.
“Đảm bảo cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững đã và đang là nhiệm vụ rất cấp thiết hiện nay và cũng chưa bao giờ dễ dàng. Thay vì tư duy quản lý truyền thống, chúng ta cần thay đổi, hướng đến tư duy quản trị, một cách tiếp cận hài hòa, đồng bộ” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.
Cũng theo Bộ trưởng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, giá trị đa dụng của rừng, trên nguyên tắc không đánh đổi sự tăng trưởng bằng sự hủy hoại rừng, mất rừng, suy thoái rừng, mất đi tính đa dạng sinh học, dẫn đến sự mất cân bằng, ổn định trong thế giới tự nhiên.
“Cùng với giá trị kinh tế thì rừng cũng tạo ra không gian sống hài hòa, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Chúng ta cần phải bảo vệ rừng, đồng thời chúng ta cũng cần phải giúp mọi người có điều kiện dễ dàng tiếp cận, hòa mình với thiên nhiên, để con người thật sự trân trọng thiên nhiên, được thiên nhiên nuôi dưỡng, che chở” – Bộ trưởng viết trong Thư.
Nhắc đến câu châm ngôn “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian tới, nhiệm vụ của các đồng chí, của các cấp, các ngành hết sức nặng nề nhưng cũng hết sức vinh quang. Sự chung sức, đồng lòng của toàn Ngành, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, đối tác quốc tế, sự vào cuộc sát sao của các cấp quản lý, cơ quan, đơn vị, địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân, cộng đồng sẽ cùng tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành Lâm nghiệp.
Cuối Thư chúc mừng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tin tưởng, với truyền thống quý báu, hết sức vẻ vang của Ngành, tập thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động; những người trồng và bảo vệ rừng, doanh nghiệp, lao động ngành Lâm nghiệp trên toàn quốc sẽ tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới sáng tạo, phát huy tính đa giá trị, làm sâu sắc hơn khái niệm “rừng vàng”, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Ngành đã đề ra, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Hậu Thạch