BVR&MT – Mặc dù là xã miền núi xa trung tâm huyện Tam Đảo, điều kiện tự nhiên hạn chế, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, tuy nhiên những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chương trình, cơ chế, chính sách hỗ trợ các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa, cùng sự đồng lòng, nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc đã giúp Yên Dương cải thiện hạ tầng phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống, từng bước thu hẹp dần khoảng cách của xã với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Về với quê hương Yên Dương hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” của vùng đất giàu truyền thống này. Trước đây, xã Yên Dương là một vùng quê nghèo trong đó dân tộc Sán Dìu chiếm 53,2% dân số với nhiều cái không: Không điện, không đường, không trạm… Nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ chương trình 135 thì phải mất nhiều năm hoặc lâu hơn thế, Yên Dương mới có thể thoát khỏi cảnh đói, nghèo và khó có thể cùng với các xã Đạo Trù, Bồ Lý ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn của huyện Tam Đảo.
Tận dụng nguồn vốn hỗ trợ của chương trình 135, xã đã tiến hành tu sửa hệ thống thủy lợi, kiên cố hoá đường giao thông liên xã. Có đủ nước tưới, bà con nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Cùng với đó, nhiều chương trình chuyển giao kỹ thuật được triển khai trên địa bàn xã làm thay đổi cơ bản tư duy sản xuất của bà con. Ngày càng có nhiều nông dân biết đầu tư thâm canh, sản xuất theo hướng hàng hóa để cung ứng cho thị trường. Người nông dân xã Yên Dương không còn lo miếng ăn nữa mà đã tính toán đến phát triển kinh tế, làm giàu theo hướng trang trại, kinh doanh dịch vụ.
Đến thăm mô hình chăn nuôi lợn của vợ chồng anh Đỗ Quốc Tuấn tại thôn Đồng Quán, chúng tôi nhận thấy nỗ lực vượt lên chính mình bằng khát vọng làm giàu cho bản thân và cho quê hương của người dân vùng đất khó. Xuất thân là người nông dân nghèo quanh năm gắn bó với đồi rừng, trước kia anh Tuấn cũng giống như nhiều hộ lân cận chủ yếu trồng một số loại cây lấy gỗ như keo, bạch đàn hay cây ăn trái như vải… Tuy nhiên, những loài cây này cho hiệu quả kinh tế chưa cao, giá cả thị trường lại bấp bênh nên ước mơ làm giàu của anh gặp không ít trắc trở. Năm 2021, giữa lúc đang loay hoay tìm hướng đi mới, anh Tuấn được giới thiệu về mô hình nuôi lợn. Sau khi tìm hiểu, nhận thấy đây là cơ hội để phát triển kinh tế gia đình, anh quyết định chuyển đổi mô hình, đầu tư vốn xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn.
Với hơn 1 tỷ đồng tiền đầu tư, trang trại công nghệ cao khép kín chuồng lạnh của gia đình anh được xây dựng trên diện tích khoảng 1.000 m², bố trí khoa học, hợp lý với các dãy nhà: Chuồng úm lợn con, phòng lấy tinh, chuồng nuôi lợn đực lấy tinh, chuồng hậu bị, chuồng phối, chuồng lợn bầu, chuồng đẻ, kho thức ăn và vôi khử trùng, phòng khử trùng cho người và vật dụng trước khi ra vào trang trại, nhà bảo vệ, nhiệt độ trong chuồng nuôi luôn được giữ ở 27 độ C (là khung nhiệt độ miễn dịch cho đàn lợn)…
Để có được tín nhiệm của đơn vị liên kết và chịu trách nhiệm đầu ra cho sản phẩm là Công ty Cổ phần Chăn nuôi ALPHA, ngoài được nuôi theo mô hình công nghệ cao khép kín chuồng lạnh, trang trại luôn thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt công tác phòng trừ dịch bệnh, tiêm phòng đầy đủ vắc xin các loại dịch bệnh, mỗi khi ra vào trang trại đều phải đi qua phòng khử trùng cả người và vật dụng theo kèm. Ngoài ra, công tác bảo đảm vệ sinh môi trường của trang trại cũng rất được quan tâm, tất cả lượng phân lợn thải ra đều được chị sử dụng chế phẩm IM để xử lý, không gây mùi hôi độc hại ra xung quanh,…
Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Trương Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Yên Dương cho biết: Theo nghị quyết số 18/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 – 2025 của HĐND huyện Tam Đảo ngày 13/8/2021, Yên Dương được quy hoạch phát triển mạnh chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc, gia cầm và những loại sản phẩm mới như nhím, thỏ, lươn, dế… có giá trị kinh tế, có độ an toàn thực phẩm cao; khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình các trang trại, nuôi gia cầm theo mô hình vườn đồi.
Để kinh tế trang trại phát huy được tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, thời gian tới Yên Dương sẽ đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương cũng mong UBND huyện Tam Đảo và các ban ngành chức năng tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thuê đất, vay vốn đầu tư xây dựng trang trại; đẩy mạnh công tác chuyển giao và ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Kiểm soát chất lượng từ khâu giống, vật tư, nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra bảo đảm năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Trong chăn nuôi, các địa phương bám sát, kịp thời hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường chăn nuôi.
Cùng với sự cần cù lao động sáng tạo của người dân cùng với các cơ chế chính sách hỗ trợ của các ngành, các cấp tiếp sức cho Yên Dương vươn lên, xã cũng coi trọng công tác thu hút các nguồn đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện cho xây dựng cơ bản. Giai đoạn 2021 – 2025, Yên Dương chú trọng hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới, tập trung vào đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông, trường, trạm, trung tâm văn hóa xã, chợ và khu đất dịch vụ, đất đấu giá. Đi khắp xã Yên Dương, không khó để nhận ra sự đổi thay từ những con đường bê tông sạch sẽ, bằng phẳng chạy vào các thôn Đồng Pheo, Quang Đạo, Yên Phú, Đồng Thành, Đồng Quán, Đồng Mới.
Đặc biệt, Dự án xây mới cầu và tuyến đường Tây Thiên – Tam Sơn đi qua địa bàn xã Yên Dương nối với xã Hợp Lý, huyện Lập Thạch, sang huyện Sông Lô và thông thương với đường quốc lộ 2B đi các xã lân cận và tỉnh Tuyên Quang đang được thi công và chuẩn bị đưa vào sử dụng trong năm 2022 mở ra cơ hội mới để người dân trong xã phát triển dịch vụ thương mại, trao đổi mua bán hàng hóa sản xuất, kinh doanh. Nhiều khu đất khó sản xuất dọc theo tuyến đường hứa hẹn sẽ chuyển đổi sang đấu giá đất dịch vụ tạo nguồn vốn tái đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ người dân trên địa bàn.
Những năm tới, để kinh tế của xã phát triển kịp theo xu thế phát triển chung của huyện và của tỉnh, xã Yên Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, lấy phát triển nông nghiệp trong đó chăn nuôi làm mũi nhọn. Xã định hướng cho nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như trồng cây măng tây, cây na dai tại thôn Đồng Quán, Đồng Cà, Yên Phú diện tích trên 10 ha; duy trì và phát triển vùng chuyên canh cây ớt, bí đao, cà chua tại thôn Đồng Mới, Đồng Ơn, Đồng Quán, Quang Đạo với diện tích khảng 30 ha trở lên; tiếp tục nhân rộng mô hình chăn nuôi thỏ ở thôn Quang Đạo, Yên Phú….Phấn đấu đến năm 2025, Yên Dương đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Đức Long