BVR&MT – Không thể đi làm thuê nơi đất khách mãi được, ý nghĩ ấy đã luôn nung nấu trong tâm thức và thôi thúc chàng trai trẻ Nguyễn Bình Nguyên, thôn Tân Trang, xã Tân Trịnh (huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang) quyết tâm trở về nuôi chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Năm 2019, khi đang làm cơ khí cho một công ty đóng tàu ở Ninh Bình với mức thu nhập 10 triệu đồng/tháng, Bình Nguyên bất ngờ nộp đơn xin nghỉ việc đã gắn bó 2 năm. Hành trang trở về thôn Tân Trang của anh chẳng có gì ngoài quyết tâm phải làm giàu từ chính các sản vật ở địa phương.
Quang Bình lại là một trong 5 huyện trồng chè tập trung của tỉnh. Nắm bắt được những điều này, anh Bình Nguyên nhận thấy đây chính là cơ hội để bản thân đầu tư trồng chè làm kinh tế, vươn lên làm giàu. “Khi đang học cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, vừa học hết lớp 11, tôi xin nghỉ học để đi làm thuê kiếm tiền. Ý nghĩ phải làm giàu, không thể đi làm thuê mãi được đã nhen nhóm trong đầu tôi từ khi đó. Nhưng vì không có vốn nên mãi cho tới nhiều năm về sau, tôi mới dần hiện thực hoá được khát vọng ấy. Lựa chọn táo bạo của Bình Nguyên đã gặp phải không ít sự ngăn cản của bố mẹ và người thân trong gia đình. Mọi người khuyên anh rất nhiều về chuyện suy nghĩ quay trở lại với công việc cũ vì sợ anh sẽ bị phá sản. Thế nhưng, chí đã quyết, anh mạnh dạn vay vốn từ Agribank số tiền 300 triệu đồng để làm vốn đầu tư. Từ quỹ đất trồng chè sẵn có của gia đình, anh bắt tay ngay vào cải tạo và mở rộng nhân giống; đồng thời, tìm hiểu và xây dựng các mối lái cho đầu ra sản phẩm của gia đình.
Với 4 ha đất trồng chè của gia đình Bình Nguyên mỗi năm cho thu hái 3 vụ giúp anh có thu nhập đầu tiên. Nhận thấy nếu chỉ bán chè nguyên liệu thì sẽ không mang lại thu nhập cao, Nguyên đã đầu tư thêm máy sao chè để sản xuất chè thành phẩm bán được giá hơn. Xưởng chè gia đình được mở ngay bên vườn chè, ban đầu chỉ tự hái chè của nhà về làm rồi khi nhu cầu của khách hàng tăng Nguyên thu mua chè của bà con trong thôn, rồi mở rộng vùng nguyên liệu ra các thôn và xã khác, giờ đây trung bình một tháng, tại xưởng của gia đình Bình Nguyên cũng chế biến được 50 tấn chè khô, xuất với giá 60.000 – 75.000 đồng/kg. Toàn bộ chè sau khi thu hoạch và chế biến thô ban đầu sẽ được các đầu mối mà Nguyên kết nối và hợp đồng từ trước đến thu mua rồi xuất sang Trung Quốc. Với cách làm này, anh vừa có thể hỗ trợ bà con tiêu thụ chè làm ra, vừa tạo được công ăn việc làm cho nhân công tại xưởng của gia đình. Khi ít việc thì 4-7 người làm, vào đợt cao điểm thu mua thì số lượng người được thuê làm sẽ nhiều hơn và được trả 240 nghìn đồng cho một ngày công. Hiện tại, ngoài 4 ha chè, Bình Nguyên cũng đã đầu tư trồng xem kẽ được gần 3 ha cam. Giống cam được anh chọn trồng chủ yếu là cam Vàng, cam Sành, quýt, bưởi. Hiện tại cam Vinh và quýt đã bắt đầu cho thu hái với số lượng lớn, chất lượng quả to, đẹp và ngon; được thương lái đến tận vườn thu mua. Ngồi nhẩm tính, sau khi trừ hết các chi phí chăm bón, thuê người hái, mỗi vụ Bình Nguyên nói anh có thể để ra được 60 triệu đồng. Số tiền tuy không quá nhiều, nhưng là trái ngọt đầu tiên mà anh được hưởng từ sự dấn thân và mạo hiểm của mình. Với những đơn hàng ổn định như hiện tại, Bình Nguyên dự tính sẽ tiến tới đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm bom sao chè; làm các sản phẩm chè chất lượng cao, có giá trị hơn làm chè nguyên liệu như bây giờ.
Xã Tân Trịnh quê hương anh còn nhiều khó khăn, bà con chủ yếu dựa vào nghề nông, cây cam chè vẫn là cây trồng mang lại thu nhập ổn định cho bà con bên cạnh cây lúa. Nhưng do nhiều yếu tố khiến giá cả và sản lượng cam, chè bấp bênh theo từng năm. Là một thanh niên có trí tiến thủ, thành quả bước đầu trong sản xuất và tìm đầu ra cho cây chè của Nguyên đã phần nào giúp bà con yên tâm gắn bó với cây chè. Đồng thời lan tỏa tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên ở vùng nôn thôn, miền núi như ở Quang Bình quê hương anh.