BVR&MT – Hệ thống thủy lợi là yếu tố không thể thiếu với sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân và các ngành kinh tế. Hiện cả nước có 6.750 đập, hồ chứa thủy lợi có dung tích trữ từ 50 nghìn m3 hoặc chiều cao đập từ 5m trở lên; 19.416 trạm bơm, 27.754 cống, 16.057 đập tạm và 291.000 km kênh mương các loại.
Công trình thủy lợi hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha gieo trồng, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất.
Thực hiện chính sách miễn thủy lợi phí, hiện mỗi năm, Nhà nước phải cấp bù thủy lợi phí khoảng 6.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, do những vướng mắc về cơ chế, chính sách nên thời gian qua, hoạt động của các công ty khai thác công trình thủy lợi gặp rất nhiều khó khăn.
Nguồn thu của các công ty này chủ yếu từ ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2013 đến nay không thay đổi.
Công trình thủy lợi hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha gieo trồng, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất. |
Trong khi đó, các chi phí đầu vào như lương, tiền điện, vật tư, nguyên liệu xây dựng… đều đã tăng rất nhiều so với 10 năm trước.
Các đơn vị phải ưu tiên kinh phí để bảo đảm chi vào các nội dung cần thiết, cấp bách, cho nên nhiều công trình hư hỏng, xuống cấp không được bảo trì kịp thời. Nhiều hệ thống thủy lợi được đầu tư từ những năm 1960, 1970, không đủ kinh phí để bảo trì, sửa chữa định kỳ nên đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Đời sống người lao động tại các đơn vị này hầu hết đều khó khăn khiến họ bỏ việc, khó tuyển dụng người mới vào làm việc. Mặt khác, do không được sử dụng nguồn ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ, trong khi ngân sách địa phương không bố trí, dẫn tới nhiều đơn vị chưa thực hiện trích quỹ khen thưởng, phúc lợi theo quy định hoặc trích ở mức rất thấp. Hay nhiều đơn vị ở các địa phương như: Bắc Kạn, Yên Bái, Cao Bằng, Lai Châu, Thái Bình, Ninh Bình, Phú Yên… không có quỹ khen thưởng, phúc lợi.
Theo Cục Thủy lợi, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện chính sách giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhưng kết quả đạt được rất hạn chế, quy định chưa phù hợp, thủ tục rườm rà. Một số địa phương như: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Gia Lai, Bình Dương, Long An… xây dựng phương án giá từ năm 2019 nhưng đến nay chưa được ban hành, thủ tục hành chính phức tạp, văn bản qua lại giữa các cơ quan, đơn vị rất nhiều lần; quy định về quản lý tài sản, kết cấu hạ tầng thủy lợi nói riêng và quản lý tài sản công nói chung chưa rõ ràng, thống nhất với quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho nên chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp liên doanh, liên kết khai thác, sử dụng tài sản công hiệu quả.
Trước mắt, các ngành chức năng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính cần phối hợp các địa phương, cơ quan liên quan xem xét sửa đổi hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan các quy định về tài chính trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đặc biệt là nghiên cứu tăng mức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đã khá lạc hậu so với mặt bằng chung hiện nay.
Đồng thời các đơn vị khai thác công trình thủy lợi cần xây dựng chiến lược và thực hiện đổi mới hoạt động, trong đó tập trung rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức doanh nghiệp bảo đảm tinh gọn, tiết kiệm, hiệu quả; đào tạo, tuyển dụng, bố trí nguồn nhân lực lao động phù hợp yêu cầu từng giai đoạn phát triển của đơn vị; tập trung nghiên cứu để khai thác công trình đa mục tiêu, đa giá trị.