BVR&MT – Khi biến đổi khí hậu làm cho cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn, các nhà khoa học cũng phải chạy đua để tìm hiểu cách thức các loài động vật chịu đựng hoặc thích ứng với biến cố.
Luồng khói từ đám cháy Dixie – đám cháy lớn nhất trong lịch sử tiểu bang California – khổng lồ đến mức bao trùm năm tiểu bang. Ở thời điểm đỉnh điểm, những người sống dọc hàng nghìn km2 từ California đến Nebraska đã hít phải nhiều loại chất độc từ các vật liệu tạo ra đám cháy gồm ozone, carbon monoxide và các chất dạng hạt. Các khí độc này gây ho, cay mắt hoặc khiến người hít phải lên cơn hen suyễn, thậm chí với những người ở gần khu vực dễ cháy, mỗi đám cháy mới có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim.
Những người có hệ thống điều hòa không khí và bộ lọc không khí thường có thể tự bảo vệ mình bằng cách ở nhà nhưng động vật hoang dã thì không có lối thoát. Do nhiều năm quản lý rừng kém kết hợp biến đổi khí hậu nên các đám cháy ngày càng gia tăng về quy mô và cường độ. Việc tìm hiểu khói ảnh hưởng đến động vật rất quan trọng và cần thiết, giúp các nhà khoa học có thể xác định các loài dễ bị tổn thương nhất và xem chúng có cần kế hoạch quản lý hoặc bảo tồn không. Tuy nhiên, hiện có rất ít thông tin về việc khói cháy rừng ảnh hưởng như thế nào đến động vật.
Tiến sĩ Olivia Sanderfoot tại Đại học Washington, người vừa xuất bản báo cáo về những nghiên cứu đề cập đến ảnh hưởng của khói cháy rừng đối với động vật cho biết cô chỉ tìm thấy 41 tài liệu liên quan, hầu hết từ 20 năm qua, và bao gồm ít hơn 50 loài được đề cập. Chỉ một số ít động vật có vú được đưa vào nghiên cứu và không có nghiên cứu nào được công bố về mức độ ảnh hưởng của khói cháy rừng đến động vật lưỡng cư vốn thở bằng da hoặc động vật thân mềm.
Dễ bị tổn thương hơn
Theo Sanderfoot, tất cả các loài động vật đều dễ bị tổn thương khi hít phải khói cháy rừng và mối đe dọa phụ thuộc vào sinh lý cũng như sự trao đổi chất của từng loài. Ví dụ, loài chim có hệ thống hô hấp hiệu quả nên các chất độc trong không khí được chuyển vào cơ thể chúng dễ hơn, khiến chúng nhạy cảm hơn với tất cả các loại ô nhiễm không khí, bao gồm khói.
Cá voi, cá heo và các loài động vật giáp xác khác cũng đặc biệt dễ bị nhiễm khói. Chúng trao đổi tới 80% không khí trong phổi qua mỗi lần thở, so với con người chỉ khoảng 20%, chưa kể chúng thiếu các cấu trúc bảo vệ như xoang và chất nhầy giúp lọc các hạt.
Các loài cá, chuột đồng, chim mặt đất và các động vật sống trong hang khác có thể được bảo vệ bằng lối sống sát mặt đất, giúp chúng giảm tiếp xúc với khói thuốc. Tuy nhiên, vị trí thấp hhông phải lúc nào cũng an toàn vì sự phân tán khói bị ảnh hưởng bởi thành phần hóa học, thời tiết và địa lý.
Cũng như người, các triệu chứng do hít phải khói ở động vật có thể bao gồm khó thở, thở gấp, thở khò khè, thở hổn hển, ho và sủi bọt ở lỗ mũi. Carbon monoxide có thể dẫn đến rối loạn, choáng váng và gây tử vong. Ngoài ra, các hạt có thể đi sâu vào phổi, kích hoạt phản ứng miễn dịch kéo dài và sưng viêm, gây hại cho đường hô hấp và tim mạch, ức chế hệ thống miễn dịch và ngăn tế bào tự sửa chữa.
Những con chuột đực trong một phòng thí nghiệm ở Nga đã lai tạo ngay sau khi tiếp xúc với khói thuốc giống với khói cháy rừng, chúng có con cái lo lắng hơn và cho thấy bằng chứng về chức năng nhận thức bị suy giảm. Khỉ vàng sơ sinh sống tại Trung tâm Linh trưởng Quốc gia ở California khi bị khói cháy rừng bao phủ vào mùa hè năm 2008 đã bị giảm dung tích phổi và suy yếu phản ứng miễn dịch nhiều năm về sau ở tuổi vị thành niên. Những con cá heo mũi chai bị nhốt trong một cơ sở của Hải quân Hoa Kỳ ở San Diego cho thấy tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi cao hơn, giống y bằng chứng về khả năng bị tổn thương phổi sau một trận cháy rừng lớn. Các động vật biển có vú khác như rái cá, hải cẩu và cá voi sát thủ cũng có thể chịu những tác động lâu dài tương tự.
Sống chậm lại
Ít rõ ràng hơn là những cách thay đổi hành vi của động vật trước phản ứng với khói. Giống như con người, hầu hết các loài động vật dường như đều khó chịu với khói. Ngoài việc gây khó thở hơn, khói khiến động vật khó nhìn và ngửi mùi thức ăn dù đó là con mồi hay hoa.
Nhiều loài động vật bỏ chạy hoặc ẩn nấp khi ngửi thấy khói, dự đoán trước đám cháy. Algerian sand racer, loài thằn lằn đào hang ở vùng Địa Trung Hải, dường như không quá bận tâm đến những đám cháy rừng quét qua bán đảo Iberia. Theo một nghiên cứu năm 2021 do nhà sinh vật học Lola Alvarez-Ruiz thuộc Trung tâm Nghiên cứu Sa mạc hóa tại Đại học Valencia, Tây Ban Nha, khi ngửi thấy mùi khói, loài vật này sẽ ẩn đi. Cô cho hai nhóm thằn lằn, một số từ các khu vực dễ cháy và một số không ở các khu vực này cùng tiếp xúc với khói và chất kiểm soát có khói nhưng không mùi. Kết quả cho thấy những cá thể sống ở những nơi trước đây bị đốt cháy phản ứng tốt hơn, chúng phát hiện khói nhanh và ẩn náu.
Điều gì sẽ xảy ra khi khói ở khắp mọi nơi nhưng không có lửa gần đó? Sanderfoot cho biết việc thực hiện các chiến lược tránh hỏa hoạn khi không có nguy hiểm là rất hữu ích. Những loài có khả năng, như một số loài chim và động vật có vú, sẽ sử dụng khói làm tín hiệu để rời khỏi khu vực có cháy nhưng điều này đồng nghĩa với việc chúng phải từ bỏ việc kiếm ăn và giao phối, đồng thời tiêu tốn năng lượng để thoát khỏi đám cháy có thể không bao giờ chạm đến chúng.
Các loài động vật khác phản ứng bằng cách giảm sử dụng năng lượng. Các nhà nghiên cứu ở Úc chỉ ra rằng các loài thú có túi nhỏ và một số loài dơi giữ trạng thái trao đổi chất tối thiểu sau đám cháy để tồn tại khi thiếu thức ăn. Tuy nhiên, với những loài khác, đặc biệt là những động vật đào hang nhỏ hơn không thể vượt qua đám cháy, chúng có thể chui sâu vào các kẽ hở, nhưng nếu không có khói hay lửa, tiếng kêu của những con vật này có thể có nghĩa là chúng đang bỏ lỡ việc kiếm ăn và sinh sản, Clare Stawski, người đã nghiên cứu cách thức khói ảnh hưởng đến tiếng kêu của thú có túi lùn, dunnar và dơi tại Đại học New England, Úc.
Stawski cho biết khói thuốc cũng có thể làm tăng mức độ căng thẳng của động vật, gây ra những hậu quả xấu. Khi một con vật bị căng thẳng, nó có thể chuyển hướng năng lượng ra khỏi quá trình sinh sản. Con đực ngừng sản xuất tinh trùng và con cái bỏ qua chu kỳ động dục. Chúng cũng sẽ chuyển hướng các nguồn lực từ hệ thống miễn dịch, có nghĩa là nếu mắc bất kỳ bệnh tiềm ẩn nào hoặc nếu bị thương, chúng sẽ không phục hồi hoặc tự chữa lành đúng cách.
Động vật lớn hơn cũng sống chậm lại. Tại Borneo, các nhà nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu ảnh hưởng khói cháy than bùn gây ra đối với đười ươi sau khi nhận thấy giọng nói của chúng khàn hơn. Kết quả cho thấy đười ươi di chuyển ít hơn để hạn chế thất thoát năng lượng nhưng cuối cùng chúng vẫn bị rơi vào trạng thái thiếu hụt năng lượng. Di chuyển ít hơn cũng có nghĩa là đười ươi đực trưởng thành ít có cơ hội giao phối, chúng lại vốn có chu kỳ sinh sản chậm nên khói có thể gây hại cho quần thể đã và đang bị đe dọa này.
Để nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của khói từ những đám cháy đối với động vật hoang dã, Sanderfoot cho rằng cách tốt nhất là các nhà sinh thái học và khoa học khí quyển kết hợp dữ liệu hiện có về hành vi của động vật, như thư viện ghi âm và bẫy ảnh, kết hợp dữ liệu giám sát chất lượng không khí.
Ngoài ra, việc thu thập dữ liệu từ khoa học cộng đồng cũng rất hữu ích. Các nền tảng như iNaturalist, eBird và Breeding Bird Survey đều cho phép tải ảnh và dữ liệu về những lần nhìn thấy động vật hoang dã, giúp các nhà khoa học nghiên cứu cho nhiều dự án khác nhau.
Linh Vy (Theo nationalgeographic)