BVR&MT – Ðã gần hết giai đoạn (2021-2025) thực hiện hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia (giảm nghèo bền vững, nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), vậy nhưng nhiều huyện tại tỉnh Ðiện Biên vẫn loay hoay lựa chọn mô hình hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ sinh kế. Thực tế này làm chậm tiến trình đưa nguồn lực về cơ sở, làm chậm tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ sản xuất của tỉnh Ðiện Biên trong khi hộ nghèo, người dân vùng dân tộc thiểu số, biên giới ở cơ sở lại đang rất cần nguồn hỗ trợ từ các chương trình.
Thông tin về số lượng mô hình sản xuất được thực hiện từ nguồn vốn sự nghiệp các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên trong hai năm qua, bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðiện Biên cho biết: Sau hai năm thực hiện, toàn tỉnh có 122 dự án liên kết sản xuất nông nghiệp (chủ yếu là các dự án liên kết trồng mắc-ca của huyện Tuần Giáo) và 542 dự án cộng đồng (hỗ trợ cây, con giống) trên địa bàn các huyện.
Năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất từ các chương trình chỉ đạt 18,2% so với tổng kế hoạch vốn giao. Với kết quả này, ngành nông nghiệp đánh giá các mô hình liên kết, dự án cộng đồng còn quá khiêm tốn trong khi nguồn lực từ ba chương trình đầu tư còn rất lớn; hai năm liên tiếp (2022 và 2023) Ðiện Biên đều phải chuyển nguồn năm trước sang năm sau.
Năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất từ các chương trình chỉ đạt 18,2% so với tổng kế hoạch vốn giao. Với kết quả này, ngành nông nghiệp đánh giá các mô hình liên kết, dự án cộng đồng còn quá khiêm tốn trong khi nguồn lực từ ba chương trình đầu tư còn rất lớn; hai năm liên tiếp (2022 và 2023) Ðiện Biên đều phải chuyển nguồn năm trước sang năm sau. |
Thừa nhận khó khăn khách quan và cả chủ quan trong thực hiện các mô hình hỗ trợ sản xuất, tại cuộc họp lần thứ 20 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên khóa 14 vừa qua, Bí thư Huyện ủy các huyện: Tủa Chùa, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé, Mường Ảng, Tuần Giáo đều có chung nhận định, nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho người nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới là nguồn lực rất lớn, rất cần thiết giúp người nghèo vươn lên. Vậy nhưng việc triển khai lựa chọn mô hình để thực hiện hỗ trợ lại rất khó khăn, cho nên dù đã gần hết giai đoạn đầu thực hiện mà nhiều huyện vẫn loay hoay với việc lựa chọn cây, con gì để hỗ trợ người dân.
Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa Vùi Văn Nguyện cho biết: Cán bộ cấp huyện rất trách nhiệm trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các mô hình sản xuất theo hình thức liên kết hoặc dự án cộng đồng nhưng phần do nhận thức, phần do tập quán sản xuất với tư duy nhỏ lẻ cho nên người dân không mặn mà. Ðiểm lại sau mấy năm triển khai, hiện Tủa Chùa có chín héc-ta cây cà gai leo là cây trồng mới được đưa về địa bàn trồng thử nghiệm theo hình thức liên kết cho kết quả khả quan; cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, phù hợp khí hậu địa phương và người dân mong muốn được hỗ trợ mở rộng diện tích.
Cùng chung ý kiến, Bí thư Huyện ủy Mường Ảng Nguyễn Tiến Ðạt chia sẻ: Ðối tượng thụ hưởng nhiều, thuộc nhiều địa bàn, nhiều dân tộc thiểu số với thói quen, tập quán, trình độ sản xuất khác nhau vậy nên khi triển khai hỗ trợ sản xuất từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Mường Ảng nhận thấy rất khó khăn. Thêm vào đó là điều kiện, thủ tục, quy trình thực hiện, giải ngân hết sức chặt chẽ; làm không khéo rất dễ mang hệ lụy.
Trên cơ sở tập hợp đề xuất của người dân và thực tiễn địa bàn, căn cứ Ðề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh, Mường Ảng quyết định lựa chọn cây cà-phê để hỗ trợ từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Trong năm 2024, Mường Ảng sẽ trồng thêm 500 ha cây cà-phê từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ.
Với Nậm Pồ – huyện biên giới thuộc diện đặc biệt khó khăn đến nay đã có một số mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi thành công như: Mô hình trồng rau, củ, quả tại xã Si Pa Phìn; mật ong rừng Chà Nưa; cam Nậm Tin; tinh dầu sả tại xã Vàng Ðán… Vậy nhưng, Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ Lê Khánh Hòa vẫn khẳng định: “Rất khó khăn”. Ðồng chí Lê Khánh Hòa cho biết, phát triển các mô hình sản xuất trên địa bàn các huyện miền núi và việc sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ các chương trình mục tiêu quốc gia có rất nhiều khó khăn.
Qua thực tế triển khai các mô hình trồng thử nghiệm chanh leo, rau, quế, cam tại địa bàn, Nậm Pồ có cơ sở nhận thấy, không phải các loại cây này không phù hợp mà vấn đề là ý thức người dân. Vốn quen với cách gieo trồng rồi đợi ngày thu hái cho nên ngay cả khi được hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc theo chu kỳ sinh trưởng của cây thì người dân vẫn không tuân thủ. Do vậy, rất nhiều mô hình đã triển khai không đem lại kết quả như mong đợi.
Rút kinh nghiệm từ thực tế đó, đầu năm 2023, Ban Thường vụ Huyện ủy Nậm Pồ đã giao nhiệm vụ, phân công từng đồng chí phụ trách địa bàn; đồng thời khuyến khích mỗi cán bộ, đảng viên chủ chốt huyện phải thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện ít nhất là một mô hình sản xuất trở lên để làm gương, làm mẫu. Kết quả thực hiện mô hình được coi là tiêu chí cứng trong đánh giá, xếp loại cán bộ cuối năm.
Làm theo cách đó, Nậm Pồ đã có nhiều mô hình sản xuất do cán bộ thực hiện đem lại hiệu quả, khẳng định giá trị kinh tế vượt trội của cây trồng mới và sự phù hợp của cây với thời tiết khí hậu địa phương. Ðồng chí Lê Khánh Hòa cho biết: Qua thử nghiệm, Nậm Pồ rút kinh nghiệm không triển khai hỗ trợ sản xuất một cách ồ ạt theo phong trào mà chọn phương án làm đâu chắc đó, lựa chọn người có điều kiện, ý thức tham gia mô hình. Chính vì vậy, ngoài một số mô hình rau, củ, Nậm Pồ quyết định lựa chọn cây quế là đối tượng chính để hỗ trợ người dân trên địa bàn. Dự kiến, Nậm Pồ sẽ trồng hơn 2.000 ha quế trong năm nay.
Ðề cập nguyên nhân khiến kết quả giải ngân nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia của Ðiện Biên chậm và chưa đạt kỳ vọng, bà Chu Thị Thanh Xuân khẳng định rằng, nguyên nhân chủ quan là do các huyện lúng túng, không bám sát nội dung Nghị quyết 09 ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09, Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, bởi vậy các huyện đều nói khó vì không biết xác định cây gì, con gì.
“Nghị quyết 09, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 09 và kế hoạch cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với ba đề án (kinh tế nông-lâm nghiệp; chăn nuôi gia súc, sản phẩm OCOP) đã chỉ rõ đến từng địa bàn là phát triển cây gì, con gì. Căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương, các huyện lựa chọn mô hình phù hợp để phát triển thành vùng nguyên liệu. Còn nếu chỉ thực hiện các dự án phát triển cộng đồng với diện tích nhỏ lẻ vài héc-ta thì rất khó phát triển thành vùng nguyên liệu mà hiệu quả sẽ không bền vững”, bà Chu Thị Thanh Xuân dẫn chứng chi tiết.
Dù rất chia sẻ với khó khăn khách quan mà các huyện gặp phải trong thực hiện các dự án hỗ trợ sản xuất từ các chương trình mục tiêu quốc gia, song đồng chí Lê Thành Ðô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ðiện Biên đã thẳng thắn chia sẻ, cơ bản là quyết tâm của lãnh đạo, cán bộ. Ðồng chí Lê Thành Ðô dẫn chứng: Cùng cơ chế, chính sách, cùng thời gian thực hiện vậy tại sao năm 2024 Tuần Giáo trồng thành công hơn 3.000 ha mắc-ca; Nậm Pồ, Mường Nhé lựa chọn, triển khai trồng hàng nghìn héc-ta quế và hàng chục héc-ta rau, chanh leo trên vùng khô hạn Si Pa Phìn… Vậy mà các huyện khác lại vẫn lúng túng, băn khoăn cây gì, con gì? Ðây là thực tế mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để khắc phục, thay vì cứ hết lần này đến lần khác đổ lỗi tại vướng mắc.
Nhấn mạnh mục tiêu “Phải thực hiện hiệu quả nguồn vốn sự nghiệp từ các chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo cho người dân”, đồng chí Lê Thành Ðô đồng thời chỉ đạo hạn chế thấp nhất hoặc không thực hiện dự án hỗ trợ cộng đồng về chăn nuôi (hỗ trợ trâu, bò, lợn, gà). Thay vào đó, cần tập trung nguồn lực để phát triển các mô hình hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng dựa vào tiềm năng thế mạnh từng địa phương.
Cụ thể, Mường Nhé, Nậm Pồ tập trung vào cây quế thì phải làm cho “ra tấm ra món”; Tuần Giáo tập trung mắc-ca, cà-phê; Mường Ảng ưu tiên phát triển cà-phê; Mường Chà tập trung cây quế, mắc-ca; các mô hình khác thì phải thực hiện đồng bộ, bài bản…; coi trọng huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không thể chỉ coi là việc của phòng này, xã kia. Xuyên suốt quá trình thực hiện, các huyện phải tăng cường đôn đốc, chỉ đạo, giám sát ngay từ khâu lựa chọn mô hình, cung ứng, sử dụng nguồn giống bảo đảm đúng quy định pháp luật; đồng thời thường xuyên kiểm tra thực địa, phân công cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, đồng hành với người dân. Có như vậy, các chính sách hỗ trợ sản xuất mới thật sự đem lại hiệu quả, giúp người dân thoát nghèo bền vững.