BVR&MT – Sìn Hồ là huyện nghèo vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, với địa hình chia cắt, độ dốc lớn và dân cư sinh sống không tập trung nên việc huy động nguồn lực trong nhân dân để đóng góp xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất rất khó khăn, nhất là đường giao thông nông thôn.
Xác định giao thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) đã tập trung huy động nguồn lực để đầu tư cứng hóa các tuyến đường nông thôn. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, địa hình đồi núi dốc, phức tạp nên nhiều tuyến đường giao thông nối từ các bản tới trung tâm xã chưa được đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.
Sìn Hồ là huyện nghèo vùng cao biên giới của tỉnh Lai Châu, với địa hình chia cắt, độ dốc lớn và dân cư sinh sống không tập trung nên việc huy động nguồn lực trong nhân dân để đóng góp xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt, sản xuất rất khó khăn, nhất là đường giao thông nông thôn.
Các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến các bản trong huyện tương đối dài, đi qua nhiều núi đá nên việc đầu tư cần nguồn vốn rất lớn. Thậm chí có tuyến đường chỉ đến duy nhất một bản nhưng đòi hỏi kinh phí đầu tư gần 100 tỷ đồng. Điều này, gây khó khăn trong thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn của huyện.
Hiện toàn huyện Sìn Hồ còn 18 bản chưa có đường xe máy tới bản. Hầu hết các bản này đều ở xa trung tâm xã, có bản phải đi xe máy vòng cả trăm km, rồi đi bộ nhiều giờ mới tới bản; trong đó xã Tủa Sín Chải có 8 bản chưa có đường xe máy vào bản, bản xa nhất của xã cách khoảng 17 km, người dân muốn di chuyển thì phải đi bộ vượt núi, qua suối mất thời gian cả ngày trời.
Ông Sùng A Di, Bí thư Đảng ủy xã Tủa Sín Chải cho hay, toàn xã có 12 bản; trong đó, có 8 bản chưa có đường xe máy và chưa có điện lưới quốc gia. Thực tế này, gây cản trở lớn đến việc phát triển kinh tế – xã hội của xã, cũng như ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhân dân. Mặc dù biết rằng để đầu tư cho các tuyến đường này thì cần nguồn lực lớn, nhưng xã Tủa Sín Chải và người dân mong muốn Trung ương, tỉnh Lai Châu, huyện Sìn Hồ quan tâm, bố trí, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn hỗ trợ sớm đầu tư các tuyến đường để người dân có thể di chuyển bằng xe máy, thay vì đi bộ.
Với những khó khăn trên, nhiều năm qua, chính quyền địa phương huyện Sìn Hồ đã nỗ lực huy động và lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Lai Châu để đầu tư giao thông nông thôn. Nhiều xã như Phăng Sô Lin, Phìn Hồ đến nay đã có đường xe máy đến bản và đang được tiếp tục cải tạo nâng cấp, đổ bê tông.
Xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ hiện có 7 bản; trong đó, có 6 bản đã được cứng hóa đường giao thông. Các tuyến đường được đầu tư giúp nhân dân đi lại thuận tiện, tạo sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, đặc biệt thuận lợi trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.
Anh Hạng A Dũng, bản Phìn Hồ, xã Phìn Hồ chia sẻ: “Trước đây, khi chưa có con đường đất này anh và các hộ dân muốn đi ra trung tâm xã hoặc lên huyện rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa, sạt lở đất đá xảy ra bà con trong bản không thể di chuyển đi đâu. Nếu ai bị ốm đau mà phải đi viện thì cần có 2-3 người khiêng đi, vì xe máy không thể đi được, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng của người dân. Anh Dũng và người dân trong bản hiện mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư đường bê tông lên bản để bà con thuận lợi đi lại, các cháu học sinh đi học cũng được đảm bảo an toàn”.
Tuyến đường từ bản Sang Ta Ngai đến cây số 9 thuộc xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ có chiều dài khoảng 3km, nhưng phải đến ba lần đầu tư với nguồn vốn hơn hai tỷ đồng cùng với việc đóng góp rất nhiều ngày công của nhân dân thì tuyến đường này mới đang được chuẩn bị đổ bê tông. Sở dĩ đoạn đường này ngắn nhưng nguồn đầu tư nhiều là do có độ dốc lớn lại đi qua nhiều núi đá hiểm trở nên khó khăn trong việc tạo mặt bằng.
Cùng đó, việc vận chuyển nguyên vật liệu, nước cùng với phá vách đá là những trở ngại lớn cho quá trình thi công, trong khi đó nguồn lực đầu tư cho giao thông nông thôn lại có hạn. Điều này gây khó khăn trong quá trình mời gọi các đơn vị thi công, những đơn vị nhận thầu các gói giao thông nông thôn ở Sìn Hồ phải thực sự mang tinh thần xã hội hóa thì mới có thể thực hiện được.
Anh Chẻo Quẩy Sơn, bản Tả Chủ Chồ, xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ cho biết: “Tôi cùng với bà con phối hợp làm đường đi xuống bản, quá trình thi công gặp các vướng mắc như do đá nhiều, nước cũng không có. Chúng tôi phải đào hố lấy bạt đợi nước mưa xong mới làm được đường bê tông. Khắc phục khó khăn ấy, chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ, giúp bà con sớm có con đường mơ ước bấy lâu nay để đi lại thuận tiện”.
Theo thống kê của huyện Sìn Hồ, từ năm 2015 đến nay, huyện Sìn Hồ đã xóa được 56 bản “trắng” không có xe máy tới bản. Đây là sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền huyện Sìn Hồ cùng sự chung tay của các nhà hảo tâm trên cả nước và đặc biệt với sự ủng hộ, đóng góp ngày công lao động của nhân dân.
Ông Đồng Văn Liệt, Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ cho biết, xác định giao thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, huyện Sìn Hồ đã rà soát toàn bộ những tuyến đường nối từ trung tâm xã đến các bản. Sau đó, huyện xác định các tuyến đường mà có thể huy động được sức dân và nguồn vốn từ những chương trình mục tiêu giảm nghèo, nông thôn mới để sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Những bản khó, huyện Sìn Hồ đề xuất với tỉnh Lai Châu dùng nguồn vốn trung hạn, phấn đấu từ năm 2020 – 2025 huyện Sìn Hồ cơ bản sẽ xóa được các bản không có đường xe máy đến bản.