BVR&MT – Những năm trước đây ở vùng cao tỉnh Sơn La cây sơn tra (táo mèo) được biết đến là cây trồng đa mục tiêu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phủ xanh đất rừng. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây, giá sơn tra liên tục xuống thấp, thậm chí mùa sơn tra năm nay không có người mua khiến người dân hết sức lo lắng.
Trước đây, quả sơn tra chỉ được biết đến như loại sản phẩm của núi rừng giá trị kinh tế không cao. Nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây, khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng lên, đồng bào người Mông đã mang ra chợ bán và đưa đi nhiều nơi để tiêu thụ. Với đặc điểm dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, cây sơn tra từ lâu đã phát triển trên những sườn đồi, con dốc của các xã vùng cao tỉnh Sơn La. Từ một loại quả rừng không được nhiều người quan tâm, sơn tra đã trở thành một loại quả đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Nhưng chính vì diện tích trồng cây sơn tra tăng lên đã kéo theo tình trạng giá cả xuống thấp.
Ông Đặng Quốc Vinh ở bản Co Nhừ, xã Long Hẹ, huyện Thuận Châu là một trong những người tiên phong trong việc trồng cây sơn tra theo hình thức tập trung để thuận tiện trong quá trình chăm sóc, thu hoạch. Hơn 20 năm qua, ông đã cùng với đồng bào dân tộc Mông vùng cao gây trồng lên những vườn sơn tra phủ khắp các sườn đồi, nhưng chưa bao giờ ông lại chua xót như năm nay. Bởi quả sơn tra dù đã chín vàng, rụng đầy gốc mà không có người thu mua.
Ông Đặng Quốc Vinh chia sẻ, trước đây mỗi năm với khoảng 3 ha trồng cây sơn tra gia đình ông thu nhập trung bình từ 150 – 200 triệu đồng. Nhưng 2 năm trở lại đây, giá quả sơn tra xuống thấp, trung bình chỉ còn từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, có lúc xuống còn 1.000 đồng/kg. Theo tính toán, tiền thuê nhân công thu hái, hiện mất 1.000 đồng/kg, chưa kể tiền xăng xe vận chuyển từ các đồi, nương về điểm thu mua. Không những thế, vụ sơn tra năm nay còn không có người đến hỏi mua nên nhiều gia đình đành để sơn tra chín rụng trên nương mà không thu hái.
Long Hẹ là một trong những xã vùng cao có diện tích trồng sơn tra lớn nhất huyện Thuận Châu với trên 600 ha; trong đó, hơn 350 ha cho thu hoạch với tổng sản lượng ước đạt trên 1.400 tấn quả. Để phát triển trồng diện tích cây sơn tra, từ năm 2017 xã đã thành lập Hợp tác xã Nặm Búa, với 10 thành viên ban đầu đến nay đã phát triển trên 100 thành viên, trồng trên 200 ha cây sơn tra theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó, 80 ha cho thu hoạch. Nhưng vụ thu hoạch năm nay, từ giám đốc đến các thành viên đều đứng ngồi không yên khi sơn tra đã chín rụng đầy gốc mà chẳng có người mua.
Ông Thào A Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Nặm Búa cho biết, năm nay sản lượng quả sơn tra của hợp tác xã dự kiến từ 400 – 500 tấn. Hiện tại quả sơn tra đã chín nhưng chưa tìm được đầu mối thu mua. Từ các doanh nghiệp đến các thương lái nhỏ lẻ chưa thấy động thái nào trong việc thu mua quả sơn tra. Hợp tác xã đang tính đến phương án sấy khô quả sơn tra, tuy nhiên với sản lượng lớn sẽ đòi hỏi chi phí và nhân công lớn.
Hiện nay, toàn huyện Thuận Châu có hơn 5.100 ha cây sơn tra, diện tích cho thu hoạch khoảng 1.000 ha, sản lượng quả năm nay ước đạt 5.000 tấn. Trên địa bàn huyện chưa cơ sở chế biến, toàn bộ quả sơn tra chủ yếu do tư thương thu mua, mặt khác dịch COVID-19 trong nước bùng phát khiến đầu ra cho quả sơn tra càng trở nên khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu thông tin, trước những khó khăn của người dân trong quá trình tiêu thụ quả sơn tra, chính quyền địa phương đã cùng các hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Sơn La để giới thiệu, mời chào thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lên khảo sát vùng nguyên liệu sơn tra trên địa bàn huyện. Qua đó, tìm giải pháp để chế biến quả sơn tra thành nước ép, ô mai nhằm giúp người dân có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình tiêu thụ vẫn còn nhiều khó khăn.